CLY - Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An với 1.439 di tích, riêng ở khu vực I của khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ có diện tích 30ha nhưng có đến 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật.
Những di sản vô giá
Ngày 3/8/2024, UBND TP. Hội An tổ chức lễ khánh thành trùng tu Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều). Đây là một di tích có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong khu phố cổ, là biểu tượng của TP Hội An nên thời điểm đó nổ tranh cãi sôi nổi với hai luồng ý kiến, một bên ủng hộ việc trùng tu đưa di tích về gần với nguyên bản nhất; một bên cho rằng quét màu vôi quá mới sẽ làm mất đi sự cổ kính vốn có của Chùa Cầu.
Chủ tịch Hội An Nguyễn Văn Sơn cho hay: “Chùa Cầu hoàn thành trùng tu, Hội An nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân bản địa và du khách. Mỗi ý kiến có thể xung khắc nhau nhưng đều thể hiện quan tâm đến Chùa Cầu, tình yêu mến đối với Hội An nên lãnh đạo thành phố rất mừng và ghi nhận ý kiến một cách trân trọng”.
Qua nhiều tư liệu, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trong các năm gần đây nhất vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích.
Việc tu bổ Chùa Cầu lần này được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Với quan điểm là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể. Qua việc trùng tu Chùa Cầu, có thể thấy chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Hội An rất chú trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An – cho biết: Tổng số di tích trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.440 di tích, phân bố ở tất cả các xã, phường, trong đó tập trung dày đặc trong khu phố cổ với 1.175 di tích.
Di tích ở Hội An bao gồm đủ 4 loại hình theo luật định, gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh thắng. Riêng với di tích kiến trúc nghệ thuật cũng rất phong phú về loại hình: Đình, chùa, miếu, lăng, nhà thờ tộc, nhà ở, hội quán, giếng, cầu, mộ …
Đặc biệt Khu phố cổ là hạt nhân của Di sản văn hóa Hội An với hàng nghìn công trình kiến trúc san sát nhau tạo thành quần thể kiến trúc độc đáo, hài hòa từ cảnh quan, không gian đô thị đến từng công trình riêng lẻ cấu thành; hiện còn gìn giữ được gần như nguyên vẹn.
Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn thành phố Hội An cũng rất phong phú, đầy đủ cả 7 loại hình. Qua khảo sát, kiểm kê đã nhận diện và lập hồ sơ cho hơn 40 di sản. Trong đó đã có 8 di sản đã được lập hồ sơ trình và được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: Nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế, Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Tết Trung thu ở Hội An, Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, Nghề tre dừa Cẩm Thanh.
Cần hỗ trợ kinh phí để công tác bảo tồn di sản được toàn vẹn
Theo ông Phạm Phú Ngọc, công tác bảo tồn di tích ở Hội An những năm qua đạt nhiều kết quả. Từ năm 2018-2022, có 42 công trình do nhà nước làm chủ đầu tư đã được tu bổ với tổng kinh phí hơn 334 tỉ đồng. 76 công trình di tích tư nhân - tập thể được trùng tu với tổng kinh phí hơn 13 tỉ đồng; trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 11 tỉ đồng.
Dù có nhiều quan tâm nhưng còn rất nhiều bất cập liên quan công tác bào tồn di sản Hội An, bao gồm vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn để phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ - du lịch làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa...
Ngoài ra, sự thiếu hoặc không có các loại vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; thiếu hoặc không còn các nghệ nhân/tay nghề truyền thống cao cho tu bổ di tích, “truyền nhân” cho hoạt động diễn xướng dân gian; tình trạng biến đổi khí hậu là những mối nguy thường xuyên đối với khu phố cổ hiện nay; nguồn lực tài chính, áp dụng giải pháp khoa học, công nghệ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế.
Nhằm giúp bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn đề xuất cần phải có cơ chế chính sách đặc thù để áp dụng thí điểm nhằm tạo điều kiện có nguồn kinh phí cần thiết (kể cả nguồn ODA) đầu tư tu bổ, nâng cấp, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích khu phố cổ Hội An với các dự án trọng điểm như: Phòng chống cháy khu phố cổ Hội An, dự án Đô thị Di sản thông minh, dự án phòng chống mối khu phố cổ …
Đồng thời, đề xuất Trung ương bố trí nguồn kinh phí cho Hội An để triển khai hiệu quả kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung trọng điểm như: Tu bổ, tôn tạo các di tích được xếp hạng cấp quốc gia; các di tích nhà ở, Hội Quán, Đình, Chùa, Miếu có giá trị đặc biệt trong khu phố cổ; cải tạo, chỉnh trang kiến trúc mặt tiền các tuyến phố và cảnh quan khu phố cổ; nghiên cứu, giải quyết có cơ chế chính sách cho vấn đề vật liệu truyền thống trong tu bổ di tích; cơ chế chính sách cho các nghệ nhân nghề truyền thống để duy trì, bảo tồn và làm tốt việc truyền nghề; tư liệu hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa Hội An…
Để hiện thực hoá mục tiêu, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi 3 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng có ý kiến về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Mục tiêu định hướng của đề án đến năm 2035 là giúp bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; có 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị...Dự toán tổng kinh phí thực hiện của đề án là 1.670 tỉ đồng, trong đó có 200 tỉ đồng nguồn vốn ODA tài trợ.