Điểm đến đầu tư

Quảng Ninh phát triển kinh tế số nâng cao hiệu quả đầu tư

Quang Ngọc 11/10/2024 07:03

Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

10.10-cds-quang-ninh3.jpg
Chuyển đổi số được Quảng Ninh thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp quyết liệt.
(Ảnh: nhandan.vn)

Theo đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP, đồng thời nâng tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực lên tối thiểu 10%.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào ba trục chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh đặt mục tiêu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và dịch vụ số. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy đổi mới, tăng năng suất và hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế.

Một trong những chiến lược quan trọng của tỉnh là thúc đẩy thương mại điện tử. Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ lên trên 10% vào năm 2025. Điều này không chỉ mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp địa phương mà còn tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tiết kiệm chi phí vận hành và tăng khả năng cạnh tranh.

Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) là một ví dụ điển hình về cách Quảng Ninh tận dụng kinh tế số để nâng cao hiệu quả đầu tư. Hiện nay, trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã được quảng bá và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử uy tín. Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh (ocopquangninh.com.vn) đã trở thành kênh tiếp thị hiệu quả cho 393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh, giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn.

Song song với phát triển thương mại điện tử, Quảng Ninh cũng đang số hóa các loại hình thương mại truyền thống. Mô hình "Chợ 4.0" đã được triển khai tại 43 chợ trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ hộ kinh doanh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%. Thanh toán điện tử giúp tăng tính minh bạch trong giao dịch mà còn giúp giảm chi phí xử lý tiền mặt, nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành chợ.

10.10-cds-quang-ninh2.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt được phần lớn người dân, tiểu thương ưu tiên sử dụng.
(Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực sản xuất, 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và khu chế xuất của tỉnh đã ứng dụng các nền tảng số trong quản trị và sản xuất. Kết quả giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động và giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu tiềm năng và môi trường đầu tư, Quảng Ninh cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nền tảng số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử và 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch và tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Với những nỗ lực này, Quảng Ninh đang từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế, lấy công nghệ số làm động lực chính cho tăng trưởng. Tỉnh kỳ vọng tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sẽ đạt trên 11%/năm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh phát triển kinh tế số nâng cao hiệu quả đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO