Sửa đổi Luật Doanh nghiệp hướng đến thị trường vốn minh bạch, nhưng cần lộ trình phù hợp để không gây sốc cho doanh nghiệp.
Chiều 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 44, thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ – động thái nhằm kiểm soát rủi ro tài chính sau những bất ổn trên thị trường thời gian qua.
Theo dự thảo, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính gần nhất. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phát hành trái phiếu phục vụ dự án bất động sản, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở khoa học của tỷ lệ 5 lần cũng như đánh giá tác động thực tiễn của quy định đối với tổ chức phát hành.
Tăng hiệu lực pháp lý, kiểm soát đòn bẩy tài chính
Đại biểu Trần Văn Khải (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) nhận định, việc áp dụng giới hạn tỷ lệ nợ/vốn này sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường trái phiếu riêng lẻ. Ông dẫn chứng, quy định tương tự tại Nghị định 81/2020 đã giúp hạn chế tình trạng doanh nghiệp vốn mỏng phát hành trái phiếu tràn lan, với mức dư nợ từng lên tới 50-100 lần vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, theo ông Khải, cần lưu ý khả năng thực thi và tác động đến thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng hiện có hệ số nợ cao, nếu bị chặn phát hành trái phiếu sẽ mất đi kênh huy động vốn quan trọng. “Sau giai đoạn siết chặt, thị trường trái phiếu năm 2023 đã sụt giảm mạnh. Do đó, cần có lộ trình hợp lý, tránh gây sốc cho thị trường,” ông nói.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu riêng lẻ đang có dấu hiệu phục hồi, với tổng giá trị phát hành năm 2024 khoảng 444.000 tỷ đồng – tăng 27% so với cùng kỳ. Dự báo năm nay, thị trường có thể tăng trưởng ở mức hai con số.
Cân nhắc mở rộng đối tượng đầu tư
Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất mở rộng đối tượng được đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ. Hiện nay, thị trường chủ yếu giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khiến quy mô cầu bị thu hẹp.
Theo ông Khải, để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp mà vẫn kiểm soát rủi ro, có thể mở rộng đối tượng đầu tư cá nhân theo điều kiện cụ thể. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành cần có xếp hạng tín nhiệm độc lập, tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng. “Quy định chặt chẽ là cần thiết, nhưng cần cân đối để không làm nghẽn dòng vốn trong nền kinh tế,” ông nhấn mạnh.
Làm rõ khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi”
Ngoài trái phiếu, dự thảo còn bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” – nhằm thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và đảm bảo minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Theo đó, cá nhân nắm giữ từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hoặc là người có quyền chi phối cuối cùng doanh nghiệp sẽ được xác định là chủ sở hữu hưởng lợi.
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Tư pháp, bày tỏ lo ngại quy định này có thể gây khó cho doanh nghiệp lớn, vốn có hệ số nợ cao hơn và nhiều cổ đông. Trong khi đó, ông Trần Văn Khải cho rằng cần rà soát để thống nhất định nghĩa giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng, chống rửa tiền, tránh tình trạng doanh nghiệp phải cung cấp thông tin theo nhiều tiêu chí khác nhau.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, quy định khống chế nợ ở mức 5 lần vốn chủ sở hữu là mức “thận trọng”, đã loại trừ các lĩnh vực đặc thù. Đồng thời, đây là điều kiện tương đồng với khi doanh nghiệp thực hiện IPO, do đó không làm tăng gánh nặng hành chính. “Trái phiếu là công cụ tài chính tiềm ẩn rủi ro, nên chỉ phù hợp với nhà đầu tư có kiến thức và khả năng phân tích,” ông Thắng nói.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5 tới.