Với nền tảng vĩ mô vững chắc, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế số, Việt Nam đang bước vào "thập kỷ vàng" để hiện thực hóa khát vọng trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Ngày 22/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) tổ chức Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình”.
Sự kiện VIPC Summit 2025 có sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Diễn đàn khẳng định vai trò là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, từ đó hướng tới mục tiêu thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chính phủ cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực.
Trong những năm gần đây, đã có gần 100 quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước tích cực rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Điều này không chỉ cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI), với những đột phá mạnh mẽ trong AI tạo sinh, đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.
Một xu hướng khác cũng đang lan rộng là làn sóng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Công nghệ tài chính, với các giải pháp thanh toán số, blockchain…, đang định hình lại hệ sinh thái tài chính toàn cầu, mở ra cơ hội tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài xu hướng toàn cầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần nhìn nhận sâu sắc về vai trò của các quỹ đổi mới sáng tạo và các nguồn vốn tư nhân trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo trên toàn thế giới.
Hiện, nhiều quốc gia đã chủ động thành lập quỹ đầu tư chuyên biệt cho đổi mới sáng tạo, như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ... Các quỹ này không chỉ cung cấp vốn mồi quan trọng cho các dự án công nghệ cao, mà còn đóng vai trò kích hoạt sự tham gia của khu vực tư nhân.
Phó Thủ tướng đề nghị các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là các quỹ đầu tư, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cần tiếp tục có các khuyến nghị, đề xuất về thể chế, chính sách tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam.
Về phía các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo, cần tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo "sân chơi" thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Chính phủ cam kết luôn sẵn sàng hành động, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các bên tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.