Sớm tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế

25/10/2023 18:25

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Đẩy nhanh các dự án đầu tư công là một trong những biện pháp góp phần phục hồi kinh tế - xã hội. Ảnh: TL

Công tác đối ngoại là điểm sáng của năm 2023

Nêu ý kiến tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội.

Đánh giá cao nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu bày tỏ ấn tượng về những kết quả đạt được của kinh tế Việt Nam, khi các chỉ số cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh trước những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao và kéo dài…

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra; trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, một trong những điểm sáng trong 9 tháng năm 2023 là đã phát huy tất cả các trụ cột của đối ngoại (đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân). Bên cạnh đó, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng trân quý những gì đang có đó là hòa bình độc lập” - đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), sau đại dịch Covid-19, trong khi trên thế giới đang diễn ra làn sóng về nợ, nhiều tập đoàn phá sản, nhiều quốc gia nợ công cao thì nợ công của Việt Nam vẫn được kiểm soát, tình trạng nợ của doanh nghiệp đã được khắc phục. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét. Nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như bị bão hòa. Nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế của nước ta vẫn sẽ phát triển trì trệ.

Sốt ruột tình trạng “nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”

Trước dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra; đồng thời lưu ý cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế giá trị gia tăng 2%, bằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay từ kỳ họp thứ 6 này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn tín dụng cần phải được thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Chia sẻ với những khó khăn trong điều hành, nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Theo đại biểu Hà Quốc Trị (Khánh Hòa), cần phân tích sâu hơn và làm rõ những điểm hạn chế, nhất là vấn đề tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm, chỉ bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch.

Phân tích sâu hơn, đại biểu Hà Quốc Trị cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù trung ương đã có những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương thực hiện một cách quá chặt chẽ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo các điều kiện đi kèm.

Bày tỏ sốt ruột khi “nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra rằng, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dẫn lại báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh ý kiến của cử tri nhiều tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), hiện nay tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, vấn đề này sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn vì hiện nay các nguồn vốn cho vay bất động sản đã đến kỳ trả nợ nhưng các giao dịch bất động sản gần như đóng băng. Do đó, đại biểu đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp cụ thể xử lý nợ xấu để bảo đảm tăng trưởng vĩ mô, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn giải pháp cho tình trạng này.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, có giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu…

Sớm tháo gỡ cho thị trường bất động sản

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản, các vấn đề khác sẽ được khơi thông. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” - Bí thư Thành ủy Hà Nội phân tích.

Theo Thoibaotaichinhvietnam

Theo Sớm tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO