Tăng cường đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp

Thu Hoài 27/05/2024 16:47

Phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn vô cùng quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công việc để đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp.

Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chiến lược. (Ảnh minh hoạ)

Vừa qua vào sáng 26/5, diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2024 và là hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

Hiện nay, Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ lệ lao động tham gia trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên.

Theo Tổng cục Thống kê, những năm qua, năng suất lao động Việt Nam liên tục tăng, đạt 4,8% vào năm 2022 và 3,65% vào năm 2023. Bình quân giai đoạn 2011-2020, mỗi năm, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt 5,29%, góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, mức tăng này chưa đạt yêu cầu và vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực.

TS.Phạm Xuân Khánh cho biết, thị trường lao động chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp (DN) vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỉ lệ lớn, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Dẫn đến, nhiều DN đã phải thuê lao động nước ngoài.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ.

Do đó, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của DN, đặc biệt là các DN đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là yêu cầu bắt buộc của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

doanh-nghiep

Nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do nguồn nhân lực không đủ yêu cầu đáp ứng. (Ảnh minh hoạ)

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, TS.Phạm Xuân Khánh đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương một số nội dung cụ thể: Xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao. Thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phép thành lập DN trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Khoản 2 điều 25 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất khoa học công nghệ, kinh doanh, dịch vụ góp phần gia tăng các nguồn thu để tái đầu tư, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước thực hiện thành công cơ chế tự chủ, bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư theo Nghi định 60 của Chính phủ về nội dung này.

Các nội dung khác về đổi mới hơn công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp hay cho phép các trường thành lập trường trong trường, thêm chức năng dạy văn hóa cho các học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở theo chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được nêu trong đề xuất.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, nêu cao tinh thần "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước". Cả nước cùng đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO