Kinh tế

Tăng cường quản lý Nhà nước về kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa

PV 16/04/2025 14:46

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước với kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới.

xuất xứ hàng hóa
Ảnh minh hoạ.

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chứng kiến nhiều biến động phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự gia tăng cạnh tranh chiến lược và các chính sách thuế quan đối ứng, điển hình là từ Hoa Kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, căng thẳng thương mại leo thang đang kéo theo sự gia tăng các hành vi gian lận thương mại. Đáng báo động, gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, chủ yếu nhằm mục đích lẩn tránh các biện pháp trừng phạt, thuế quan mà các nước nhập khẩu áp dụng. Thực trạng này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu chân chính của doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ thị 09/CT-BCT ban hành với mục tiêu là hạn chế tối đa tác động tiêu cực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về xuất xứ hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu và đối tác trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Để hiện thực hóa mục tiêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của đơn vị, cơ quan liên quan.

Cục Xuất nhập khẩu được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2025. Song song đó, Cục phải đảm bảo việc chuyển tiếp thực hiện cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không ưu đãi, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ (REX), Giấy chứng nhận không thay đổi xuất xứ (CNM) diễn ra thông suốt, không gây gián đoạn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chỉ thị nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm xuất khẩu. Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để đánh giá, giám sát, kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Một mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu chung sẽ được xây dựng để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ.

Các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O phải nâng cao hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O, đặc biệt chú trọng xác định tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất (trước và sau khi cấp C/O) sẽ được tăng cường theo quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BCT. Các trường hợp doanh nghiệp có lượng hồ sơ đề nghị cấp C/O tăng đột biến sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu khẩn trương nâng cấp hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys), bổ sung các tính năng xử lý dữ liệu phục vụ rà soát, kiểm tra. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng "văn minh, hiện đại", số hóa dữ liệu, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra thị trường nội địa, xử lý nghiêm nguyên liệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Cục Phòng vệ Thương mại tiếp tục triển khai Đề án chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cập nhật quy định từ các thị trường. Vụ Chính sách thương mại đa biên xử lý vướng mắc trong thực thi FTA.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý Nhà nước về kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO