Tài chính - Ngân hàng

Tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tín dụng: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án với ngân hàng

Nguyên Bình 21/07/2025 14:08

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân” mới đây, đại diện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chỉ ra những vướng mắc trong thực tiễn xử lý nợ xấu và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xét xử, thi hành án.

Các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Tòa án gỡ vướng xử lý nợ xấu- Ảnh 1.
Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân" - Ảnh: VGP/HT

Nhiều khó khăn trong thẩm định, xử lý tài sản bảo đảm

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phan Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc Khối Pháp chế và Tuân thủ VietinBank – đánh giá cao sự phối hợp giữa Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án trong hỗ trợ thu hồi nợ. Nhờ đó, nhiều hồ sơ được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn pháp lý và thủ tục kéo dài.

Đại diện BIDV và MB phản ánh tình trạng trùng lặp trong thẩm định tài sản bảo đảm giữa Tòa án và cơ quan thi hành án, gây tốn kém và kéo dài thời gian xử lý. Chi phí thẩm định mỗi tài sản dao động từ 5 đến 15 triệu đồng – con số không nhỏ với các dự án quy mô lớn. Việc xác minh động sản như ô tô, máy móc gặp khó do thiếu hợp tác từ phía người vay, dẫn đến nguy cơ tài sản bị loại khỏi hồ sơ khởi kiện.

Ngoài ra, thời gian tố tụng nhiều vụ kéo dài 3-4 năm mới xong sơ thẩm, làm phát sinh lãi chậm trả lớn, khiến ngân hàng thiệt hại thêm do yếu tố khách quan như dịch bệnh.

Cần siết chặt từ khâu thẩm định và nâng cao trách nhiệm ngân hàng

Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – ông Phạm Toàn Vượng cho biết, Hiệp hội luôn theo sát các khó khăn của hội viên trong xử lý tranh chấp tín dụng, đồng thời khuyến cáo các tổ chức tín dụng (TCTD) phải chủ động quản lý khoản vay, kiểm soát hồ sơ và quy trình thế chấp. Theo ông, nhiều vụ việc phát sinh do sai sót trong quy trình nội bộ, tạo kẽ hở cho bên vay trì hoãn nghĩa vụ trả nợ.

Dưới góc độ Agribank – đơn vị đang xử lý hàng nghìn vụ tranh chấp – ông Vượng nhấn mạnh nếu thủ tục pháp lý được tháo gỡ, quá trình giải quyết sẽ nhanh hơn, giảm áp lực cho cả ngân hàng lẫn hệ thống xét xử. Ông kỳ vọng Luật Các TCTD sửa đổi với cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm sẽ giúp xử lý khoảng 150.000 tài sản thế chấp tồn đọng.

Các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Tòa án gỡ vướng xử lý nợ xấu- Ảnh 2.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh nguyên tắc cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự 2015, đặc biệt là bảo vệ người thứ ba ngay tình và làm rõ sự khác biệt giữa hợp đồng bảo đảm và biện pháp bảo đảm. Một số bản án tuyên vô hiệu hợp đồng do chưa đăng ký biện pháp bảo đảm bị đánh giá là chưa chính xác.

Thẩm phán Bùi Hồng Hạnh (TAND TP.HCM) đề xuất ngân hàng cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu từ khâu thẩm định hồ sơ vay, minh bạch trong tính lãi và giao tiếp với khách hàng để tránh phát sinh tranh chấp về sau.

Khuyến nghị từ NHNN và định hướng hoàn thiện pháp luật

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định xử lý nhanh tranh chấp giúp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, giảm chi phí vận hành, từ đó tạo dư địa giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông lưu ý quy định về lãi chậm trả và thứ tự thu nợ theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN cần được thực hiện nghiêm để tránh lãi chồng lãi.

nguyenvantien2-1752840098269133023016.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

NHNN đề nghị các TCTD tiếp thu khuyến nghị từ Tòa án và chủ động rà soát, điều chỉnh quy trình nội bộ. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất giải pháp pháp lý và hạn chế tranh chấp phát sinh.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho rằng 5 yếu tố then chốt trong xử lý tranh chấp tín dụng gồm: khoản vay bảo đảm, giao dịch bảo đảm và phạm vi bảo đảm, lãi suất, người thứ ba, và chứng cứ. Ông kiến nghị phân loại vướng mắc để giải đáp, hướng dẫn hoặc đề xuất sửa luật phù hợp.

Ông cũng cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đang chuẩn bị trình Quốc hội hai dự án luật quan trọng: Luật Phá sản sửa đổi và Luật về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (TP.HCM, Đà Nẵng). Hai đạo luật này sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong xử lý nợ, nhất là tại các trung tâm tài chính lớn.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và Tòa án sẽ là yếu tố then chốt giúp rút ngắn thời gian xử lý tranh chấp, nâng cao hiệu quả xét xử và tạo lập môi trường tín dụng an toàn, minh bạch – một nền tảng thiết yếu cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tín dụng: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án với ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO