Emagazine

Thượng tôn pháp luật– ‘Giấy thông hành’ cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Hương Lan - Thanh Trà 27/09/2024 12:25

Cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, việc tuân thủ đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

mega-thuongton-01.png

Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn đóng vai trò trụ cột, là lực lượng tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững. Vì thế, cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, việc tuân thủ đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.


tit1-1-.png

Trong những năm qua đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, ngày càng đóng vai trò đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển lên tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, đến hết tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động; ngoài khu vực doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam còn có sự tham gia có khoảng gần 30.000 hợp tác xã và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Đội ngũ doanh nhân phát triển lên đến hàng triệu người. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm làm thương hiệu Quốc gia, trong đó có một số thương hiệu Quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế. Đơn cử như Viettel, PVN, Vietcombank, Vinamilk, VinFast, Thaco Trường Hải, gạo ST25 và nhiều sản phẩm khác được quốc tế ngưỡng mộ.

mega-thuongton-04.png

Để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tiếp tục tự tin, vững bước, chung lòng, chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với công tác xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong bối cảnh phát triển mới, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời các cơ chế, chính sách phát luật mới để tạo động lực phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, việc xây dựng cộng đồng doanh nhân cũng còn những tồn tại, hạn chế. Nghị quyết 41-NQ/TW đã chỉ ra sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Còn một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ, công chức viên chức suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.

Do đó, để hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có quy mô, năng lực, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế. Vào ngày 09/5/2024 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động nhằm sớm đưa NQ 41- NQ/TW vào cuộc sống. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ giải pháp rất cụ thể, trọng tâm trọng điểm. Đặc biệt là nhiệm vụ Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.


tit1-2-.png

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật đối, ông Nguyễn Tiến Thắng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết: Đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật là khái niệm tối quan trọng trong suốt sự nghiệp của một doanh nhân. Thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để khai sinh và tồn tại một mô hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng lớn càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật.
Doanh nhân thượng tôn pháp luật sẽ được pháp luật và xã hội bảo vệ, ngược lại cái giá phải trả cho hành vi cố tình vi phạm pháp luật sẽ rất đắt cho sự nghiệp và cuộc đời của một doanh nhân. Một doanh nhân có đạo đức kinh doanh khi mọi hành động của doanh nhân đó đều tử tế, hướng tới lợi ích tối đa của khách hàng, của xã hội trên nền tảng thượng tôn pháp luật. Đạo đức kinh doanh chính là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững và là con đường duy nhất cho những thành công vĩ đại của những doanh nhân lớn.
Trong thời gian qua, không thiếu bằng những bài học về những doanh nghiệp lớn, những doanh nhân hiểu biết pháp luật cố tình vi phạm pháp luật và đã phải trả giá cho những hành động của mình. Từ đó cho thấy, một doanh nhân muốn thành công và thành công lâu dài phải đặt thượng tôn pháp luật và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu trong ý thức xây dựng doanh nghiệp của mình.

mmega-thuongton-06.png

Dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp phát triển kinh tế đất nước ngày 21/9 vừa qua: “Doanh nghiệp tư nhân cần có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước…”, ông Thắng cho biết rất ấn tượng với phát biểu này.

Việc một doanh nghiệp, doanh nhân cần có tầm nhìn là yêu cầu bắt buộc trong việc lựa chọn chiến lược cho phát triển doanh nghiệp. Thị trường có khó khăn, có biến động nhưng không phải là không có thị trường tiêu thụ, không có nhu cầu sử dụng. Dù khó khăn đến đâu, còn con người là còn thị trường. “Tầm nhìn” của một doanh nhân sẽ quyết định thành bại của doanh nghiệp. Tầm nhìn kết hợp đạo đức kinh doanh, thượng tôn pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và được bảo vệ, ông Nguyễn Tiến Thắng nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho hay: Xã hội càng phát triển, mọi thứ càng phải minh bạch và pháp luật ra đời là để tạo ra sự công bằng cho doanh nghiệp. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý như bị xử phạt, bị kiện tụng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định, xây dựng uy tín và niềm tin với khách hàng, đối tác và xã hội.

macmega-thuongton-06.png

Hơn nữa, pháp luật còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, từ doanh nhân đến người lao động, từ đối tác kinh doanh đến người tiêu dùng. Những quy định pháp lý về hợp đồng, sở hữu trí tuệ, thuế, lao động, và bảo vệ môi trường tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, theo ông Mạc Quốc Anh khi các doanh nghiệp muốn thu hút đầu tư nước ngoài hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc tuân thủ các quy định pháp lý trong nước và quốc tế trở nên càng quan trọng. Việc tuân thủ pháp luật còn là một yếu tố nền tảng, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hương Lan - Thanh Trà

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thượng tôn pháp luật– ‘Giấy thông hành’ cho doanh nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO