Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam

Thu Hoài 11/06/2024 16:10

Vượt qua Hoa Kỳ, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần nhập khẩu tôm và trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72% với giá trị gần 935 triệu USD, tăng 21%, tôm sú chiếm 12% đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Chiếm tỷ trọng cũng đáng kể là tôm hùm, chiếm hơn 8% đạt trên 106 triệu USD, với mức tăng đột phá gấp gần 70 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng đột phá của tôm hùm. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn cũng có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.

Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam, chiếm 20% tỉ trọng, chủ yếu nhờ tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm xanh (gấp 112 lần) và tôm chân trắng (+30%).

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ chiếm 17,4% tỷ trọng và chỉ tăng nhẹ 4%. Mặc dù nhập khẩu đang hồi phục dần dần nhưng giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm nhẹ 3%, trong khi xuất khẩu sang EU tăng nhẹ 1%. Xuất khẩu tôm sang một số thị trường có xu hướng tích cực hơn gồm: Canada (+51%), Anh (+15%), Nga (+332%)…

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường, trong đó có 5 thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh minh hoạ)

Theo VASEP, hiện nay xuẩt khẩu tôm Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngành tôm Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Hoa Kỳ và tiêu dùng tôm toàn cầu sụt giảm.

Thị trường Trung Quốc đang trở thành điểm sáng nhập khẩu tôm tại Việt Nam, tuy nhiên những tháng tiếp theo đến cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Trung Quốc có thể không tăng. Nguyên nhân là do một số nước như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung xuất khẩu vào thị trường này, do Hoa Kỳ áp thuế cao, vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn về giá, đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con.

Ngoài ra, hiện nay có 2 thị trường tiềm năng cho tôm Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc thì đều phải cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ. Trong khi tại thị trường EU thì trì trệ bởi các vấn đề về chứng nhận bền vững như ASC, sắp tới là các quy định về khí thải nhà kính. Xuất khẩu tôm của Ấn Độ đang gặp khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ cho nên sẽ tập trung vào thị trường khác, trong đó có EU, dó đó xuất khẩu tôm vào EU khó có thể tăng trưởng trong thời gian tới.

So về mặt giá thành sản xuất, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan. Điều này cũng trở thành một bài toán kinh tế lớn đối với ngành tôm Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO