Trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm Quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng, với mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn của Việt Nam.
Trong khuôn khổ diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2023 - VFTE lần thứ năm, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ năm 2024 là năm phát triển toàn diện công nghiệp bán dẫn và đây là một trong công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.
Chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip. Doanh số chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2024 dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như mảng chip nhớ tăng 25%. Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ vào năm 2023. Vì vậy phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử.
Hiện trên quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp Điện tử thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Theo Gartner, doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024 - 2025 trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI. Quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành Công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh - là đầu ra cho con chip bán dẫn.
Theo bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt khảng 6,12% trong giai đoạn 2022-2027. Sự mở rộng trên sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn về quy mô thị trường lên khoảng 1,65 tỷ USD, đồng thời có sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này minh chứng về khả năng và tiềm năng trở thành đối tác, tác nhân quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cũng như khu vực.
Cơ hội “vàng” cho Việt Nam phát triển ngành bán dẫn
Năm 2023, lĩnh vực bán dẫn Việt Nam nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn lớn trên thế giới. Đơn cử như Intel - một trong ba nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư 4 tỉ USD mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.Hồ Chí Minh. Công ty bán dẫn lớn khác của Mỹ như Tập đoàn Amkor đã khánh thành Nhà máy bán dẫn Amkor Technology Việt Nam với vốn đầu tư 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh, tập đoàn Hana Micron Vina của Hàn Quốc đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang.
Ngoài ra, các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới của Mỹ như Synopsys, Marvell cũng đã có kế hoạch hợp tác hoặc đầu tư xây dựng trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong ba công đoạn sản xuất chip, bao gồm thiết kế, sản xuất và đóng gói.
Bên cạnh đó, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam. Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử.
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chuyển đổi số cần đi song song: Phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn.
Trong bối cảnh chung của thế giới, xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ: “Người Việt Nam thích học toán, khoa học, công nghệ. Tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn. Trong khi đó, người phương Tây có xu hướng nghiên cứu, ngại lao động chân tay và dân số già hoá.”
Chính phủ dành sự quan tâm lớn đến ngành bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. Ngoài ra, quy mô thị trường chất bán dẫn Việt Nam tăng trưởng 6,69% - đến 1,94 tỷ USD từ năm 2023 – 2028, đây là cơ hội lớn.
Như vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ: Đầu ra - thị trường rộng lớn; Nhân sự: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; Cơ hội hợp tác: Các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.
Thách thức phát triển ngành bán dẫn
Theo ông Trịnh Khắc Huề - Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, chuyên gia 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn, mặc dù Việt Nam có cơ hội phát triển rất lớn nhưng phải đối mặt với không ít thách thức. Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho vi mạch bán dẫn gồm các nhà cung cấp nội địa, các công ty thiết kế sản phẩm, các cơ sở đóng gói, testing, phân tích lỗi sai,…; Lực lượng lao động tại Việt Nam dồi dào song thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. Do đó, ngành công nghiệp này đang ở công đoạn gia công, chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.
Một thách thức khác đến từ bên ngoài là sự cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... đều tập trung thu hút đầu tư để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Giải pháp để nắm bắt cơ hội
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội VINASA, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, để đạt được mục tiêu phát triển ngành công nghệ bán dẫn, theo tôi Việt Nam nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn: Ngắn hạn: Thiết kế, đóng gói, kiểm thử; Trung hạn: Sản xuất; Dài hạn: làm chủ công nghệ lõi. Trong đó, chúng ta tập trung vào các lĩnh vực: Viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip.
GS Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) cũng cho rằng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng, các trường đại học cần đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành bán dẫn. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng về bán dẫn để thúc đẩy sự phát triển và thu hút đầu tư. Chính phủ sớm xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn bao gồm việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua chính sách thuế, phí, lãi suất, các Quỹ hỗ trợ nghiên cứu triển khai công nghệ mới để kích thích thu hút đầu tư tư nhân theo phương thức đối tác công tư và phát triển ngành.
Ông Trịnh Khắc Huề - Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam: xác định chiến lược phát triển phù hợp; có chính sách ưu đãi thuế; phát triển nguồn nhân lực vi mạch; tiếp tục thu hút thêm các tập đoàn lớn về bán dẫn trên thế giới; tạo cộng đồng vi mạch chất bán dẫn rộng lớn; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái cho vi mạch bán dẫn...
Hiện nay Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
Theo Diendandoanhnghiep