Trong 5 năm qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm là trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, đưa NIC nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung…
Phát triển và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các tổ chức, bạn bè quốc tế, hệ thống đổi mới sáng tạo của nước ta ngày càng hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TP.HCM lọt vào Top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Để hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ, ngày 02/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thành lập, phát triển và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đồng thời, NIC đã phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam khi trở thành các đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như: SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung.
Về kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: NIC đã kết nối 50 doanh nghiệp, tập đoàn, hơn 200 quỹ đầu tư, khoảng 10 viện, trường; phát triển mạng lưới 2.000 chuyên gia, trí thức tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ… Ký kết hơn 50 biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án.
Đối với hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đã hỗ trợ ươm tạo hơn 1.000 startup, kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tổ chức và đồng tổ chức hơn 100 cuộc thi, giải thưởng dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hơn 10.000 cá nhân đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai Chương trình Phát triển nhân tài số cung cấp hơn 60.000 suất học bổng cho các nhân tài số.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã có những bước trưởng thành vượt bậc, trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của quốc gia, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và trở thành đối tác tin cậy của nhiều đối tác công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Từ đó, đã góp phần đưa Việt Nam liên tục thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong nhiều năm qua, theo đó năm 2024, Việt Nam ở vị trí thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đưa Việt Nam trở thành điểm đến đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới
Chỉ trong 5 năm, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã làm được rất nhiều việc, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đây mới là khởi đầu.
“Chúng ta không nên thỏa mãn khi thách thức đặt lên vai rất nặng nề, làm sao phải trở thành trung tâm hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, kết nối với các trung tâm trong và ngoài nước; là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, viện-trường trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…; làm sao trở thành trung tâm đẳng cấp khu vực, giúp Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Vì vậy, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra một số nhiệm vụ quan trọng.
Trước hết, cần hình thành cơ chế chính sách cho đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, làm sao vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, về cơ sở vật chất, phải hoàn chỉnh các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia để giữ chân chuyên gia.
Thứ ba, nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ, trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) còn được giao một nhiệm quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, mục tiêu từ nay đến năm 2050, đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và có thể là nước ngoài. Theo ông, đây là một nhiệm vụ quan trọng, là mục tiêu “rất tham vọng, chiến lược”.
“Chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải khai thác triệt để. Nhu cầu rất lớn, con người rất sẵn, chúng tôi tin tưởng là sẽ đào tạo thành công, nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh trong chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC chia sẻ, sau 5 năm vận hành, NIC đã sẵn sàng cho một bước nhảy vọt mới. Trong thời gian tới, NIC tiếp tục có những giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, cùng với sự phát triển hạ tầng và môi trường công nghệ, NIC sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với viện-trường, các cơ quan nghiên cứu; có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân tài quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia đến Việt Nam làm việc; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích hợp tác công tư...