Đa số số hộ gia đình Việt có sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ. Trong đó, có 9,0% hộ gia đình sử dụng ô tô cá nhân, cao hơn khoảng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2019 (5,7%).
Tổng cục Thống kê về kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy, tính đến 1/4/2024, dân số Việt Nam là 101.112.656 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và xếp thứ 16 trên thế giới. Cả nước có 28.146.939 hộ dân cư, tăng gần 1,3 triệu hộ so với năm 2019.
Cũng theo báo cáo, đa số số hộ gia đình có sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ (mô tô, xe gắn máy, ô tô...) cho mục đích sinh hoạt. Trong đó, 89,4% hộ gia đình sử dụng mô tô, xe gắn máy; 9,0% hộ gia đình sử dụng ô tô cá nhân, cao hơn khoảng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2019 (5,7%). Tỷ lệ này tương đương 2,533 triệu hộ gia đình sở hữu ô tô. Chỉ sau 5 năm, tỷ lệ số hộ gia đình sở hữu ô tô cá nhân đã gấp khoảng 1,6 lần và không ngừng tăng nhanh trong giai đoạn tới.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cả năm 2024 ước đạt 388.500 chiếc, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2023. Nước ta cũng tiếp nhận khoảng 172.240 chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2024 với tổng giá trị 3,618 tỷ USD. So với cả năm 2023, con số này đã tăng mạnh 14,7% về lượng và tăng 27,6% về giá trị. Nếu tiêu thụ hết lượng xe nhập khẩu cũng như sản xuất, lắp ráp trong nước trên, số lượng xe ô tô tại Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 560.000 chiếc.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2023 cả nước có 6,31 triệu ô tô các loại đã đăng ký lưu hành. Mức sở hữu bình quân đầu người là 63 xe/1.000 dân. Nếu chỉ tính xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cả nước có 3,05 triệu chiếc đăng ký lưu hành, tỷ lệ sở hữu là 30 xe/1.000 dân. Đây là con số khá khiêm tốn.
Bộ Công Thương cũng cho biết, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguyên nhân do mức thuế và phí cao. Hiện tại, chỉ 3 khoản thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đã chiếm từ 40 -55% giá bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, có dung tích xi lanh từ 3.0L trở xuống.
Chưa kể, để được lưu thông, người mua xe còn phải chi thêm 10-12% lệ phí trước bạ và các loại phí khác. Thuế, phí cao trong khi thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, nên số hộ gia đình sở hữu ô tô thấp. Chỉ khoảng 8% số hộ gia đình hiện nay có ô tô.
Bộ Công Thương cũng dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam tới năm 2030 sẽ đạt 1-1,1 triệu xe/năm và tới năm 2045 sẽ đạt từ 5 - 5,7 triệu chiếc/năm. Thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển mạnh sau 10 năm nữa.