Diễn đàn “Văn hóa Doanh nhân năm 2025” do VCCI vừa tổ chức mới đây đã đưa ra thông điệp: Văn hóa doanh nhân không chỉ là nền tảng nội lực của doanh nghiệp mà còn là trụ cột để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
Sự kiện diễn ra với hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước tham dự.
Đạo đức doanh nhân – Thước đo giá trị trong thời đại hội nhập
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới, cộng đồng doanh nhân chính là lực lượng trung tâm đóng góp vào tăng trưởng và hội nhập, tiếp sức cho khát vọng thịnh vượng quốc gia.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã và đang áp dụng bộ tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) như một thước đo về phát triển bền vững. Đây không chỉ là một công cụ quản trị hiện đại, mà còn là biểu hiện rõ ràng của triết lý kinh doanh có trách nhiệm mà mỗi doanh nghiệp phải theo đuổi.
Đặc biệt, để chuẩn hóa đạo đức nghề nghiệp, VCCI đã ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, coi đây là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp cân bằng lợi ích kinh tế và giá trị xã hội, bao gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Điểm đáng chú ý, bộ quy tắc này hiện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa vào sách giáo khoa, thể hiện sự lan tỏa và tầm quan trọng của đạo đức doanh nhân ngay từ giai đoạn giáo dục phổ thông.
Doanh nhân — người dẫn đường kiến tạo văn hóa doanh nghiệp
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phan Xuân Thủy — Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định: Đạo đức và văn hóa doanh nhân là yếu tố quyết định trong quá trình xây dựng doanh nghiệp bền vững. Ông nhấn mạnh, trong môi trường toàn cầu hóa và kỷ nguyên số, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ đến từ giá thành hay công nghệ mà còn đến từ uy tín, trách nhiệm và giá trị nhân văn mà doanh nghiệp mang lại.
Ông Thủy cũng nhấn mạnh lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sứ mệnh của doanh nhân: “Làm giàu không chỉ vì mình mà còn vì dân, vì nước” — một triết lý mang tính nền tảng, cần được giới doanh nhân thấm nhuần trong mọi quyết định sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, ông đề nghị: mỗi doanh nhân cần coi đạo đức là thương hiệu cốt lõi; các tổ chức hiệp hội phải tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong kinh doanh; các cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế để đảm bảo môi trường minh bạch, thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Văn hóa doanh nghiệp — Sức mạnh mềm tạo dựng vị thế
Tại Diễn đàn, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh, là yếu tố then chốt quyết định khả năng trụ vững và phát triển của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế đều dành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp như một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển quốc gia.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều đơn vị ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam và tổ chức Diễn đàn quốc gia về văn hóa doanh nghiệp thường niên, nhằm xây dựng hệ sinh thái văn hóa kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Ở góc nhìn nghiên cứu, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), chỉ ra rằng: văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vẫn mang nặng yếu tố truyền thống, trong đó tồn tại không ít khoảng cách quyền lực và tâm lý né tránh rủi ro. Ông khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần điều chỉnh mô hình quản trị theo hướng minh bạch, thúc đẩy sáng tạo, đảm bảo công bằng giới tính và xóa bỏ bất bình đẳng trong môi trường làm việc.
Từ góc độ quản trị thực tiễn, bà Bùi Thị Lệ Phương — Chủ tịch Hội Quản trị và Kiểm soát nội bộ Việt Nam, CEO Công ty tài chính kế toán thuế Centax — chia sẻ kinh nghiệm: Văn hóa doanh nghiệp chỉ có thể bền vững khi được hình thành từ bên trong, dựa trên giá trị cốt lõi, thông qua phản hồi của nhân viên, truyền thông nội bộ bài bản, chế độ khen thưởng hợp lý và tính nhất quán trong hành vi của đội ngũ lãnh đạo.
Văn hóa doanh nhân — trụ cột của sự phát triển dài hạn
Các đại biểu tại diễn đàn đều thống nhất nhận định: doanh nhân chính là trung tâm của quá trình kiến tạo, gìn giữ và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Thông qua việc xây dựng niềm tin, xác lập giá trị và lãnh đạo bằng hành vi, người đứng đầu doanh nghiệp chính là nhân tố quyết định hình thành nên bản sắc và sức mạnh văn hóa nội bộ.
Với nền tảng văn hóa bền vững, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm “sức đề kháng” để thích ứng, phát triển và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, đóng góp vào mục tiêu xây dựng một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.