Khởi nghiệp quốc gia

Việt Nam có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD

Vũ Đậu 23/12/2024 17:46

Trong năm 2024, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 02 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink.

khoi-nghiep-sang-tao.jpg
Ảnh minh họa

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên bằng cách xây dựng nền tảng cơ bản về thể chế, thiết lập các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ, phát triển cộng đồng, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp sáng tạo…

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam không chỉ được thúc đẩy và lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước mà còn tiếp tục được mở rộng và phát triển ở các kỳ Techfest quốc tế tại Mỹ, Australia, Singapore, Hàn Quốc và các hoạt động quốc tế khác của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia từ các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ của các nước cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.

Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó, lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển tốt, thể hiện qua chỉ số Số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024. Chỉ số Số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, năm 2024, bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 79 cơ sở ươm tạo, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 02 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink; Hà Nội và TP.HCM lọt vào top 200; Đà Nẵng lọt top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, thực tiễn phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thời gian qua đã thể hiện rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp hoạt động với mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng; sản phẩm, dịch vụ đã được phát triển. Các doanh nghiệp này thường ưu tiên sự ổn định, tập trung vào mục tiêu lợi nhuận hơn là tăng trưởng nhanh, do đó chấp nhận rủi ro ở mức thấp.

Còn tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo hoạt động nhằm đột phá thị trường hiện có, hoặc tạo ra thị trường mới dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh mới, chấp nhận rủi ro cao để tăng trưởng nhanh, và thường phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài như các nhà đầu tư thiên thần, vốn đầu tư mạo hiểm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh.

Các sáng kiến và hoạt động này nên tập trung tạo cơ hội để các nguồn lực được dịch chuyển hiệu quả, đồng thời khai thác tối đa tài nguyên và lợi thế bản địa tại những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa tương đồng.

Khi liên kết vùng được tăng cường, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tại tại địa phương và khu vực sẽ góp phần mở rộng thị trường, huy động được các nguồn lực cộng hưởng, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO