Thị trường

Việt Nam hướng tới hệ sinh thái du lịch thông minh

Thu Trang 25/09/2024 14:20

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Việc xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ đem đến những giá trị tích cực cho cả khách du lịch trong nước và quốc tế.

Sẵn sàng cho du lịch thông minh

Hệ sinh thái du lịch thông minh được định nghĩa là hệ thống du lịch sử dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện khả năng cạnh tranh của điểm đến bằng cách nâng cao trải nghiệm du lịch, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới và tăng tính bền vững thông qua tối ưu hóa tài nguyên. Hệ sinh thái du lịch thông minh bao gồm: Công nghệ số, người tiêu dùng, các doanh nghiệp và điểm đến du lịch.

z5812409133699_081d2acca6f27bcca3445649f11c9995-1-.jpg
Du khách có thể tìm kiếm các địa điểm du lịch qua các ứng dụng thông minh.

Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh giúp tạo thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa và nước ngoài.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm: Ưu tiên chính sách du lịch thông minh, mức độ hiểu biết cao về công nghệ du lịch, khoảng cách số về giới tính thấp, năng lực khởi nghiệp, khả năng tiếp cận internet ở thành thị và nông thôn cao, vùng phủ sóng 4G rộng, chi phí băng thông rộng trung bình, truy cập di động và tốc độ băng thông rộng trung bình.

Để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, Nghị quyết 82 ngày 18/5/2023 của Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách. Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.

Trước bối cảnh hoạt động du lịch nội địa gặp nhiều thách thức, việc triển khai chuyển đổi số đồng bộ và thống nhất sẽ giúp các địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch tiết kiệm nguồn lực, tận dụng hệ sinh thái dùng chung, hình thành cơ sở dữ liệu lớn, tăng cường kết nối liên thông, phát triển theo hướng bền vững hơn. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô và nguồn lực hạn chế.

Đặc biệt, việc hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất cũng sẽ góp phần thúc đẩy các xu hướng mới như chuyển đổi xanh trong du lịch, du lịch “net zero” không gây tổn hại đến môi trường.

Thực tế, thời gian qua, việc nhập cuộc tích cực vào công tác xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh được thể hiện qua hàng loạt các hoạt động và sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước.

Tại Hà Nội, các điểm như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... đã tổ chức nhiều triển lãm trực tuyến, bán vé tham quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện ứng dụng công nghệ 3D vào việc cung cấp thông tin và quảng bá du lịch được đẩy mạnh với sản phẩm đáng chú ý nhất là bản đồ du lịch tương tác thông minh kèm tính năng hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến được du khách đánh giá cao.

Nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Bình... cũng đẩy mạnh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 360 độ thực tế ảo (VR 360), thanh toán bằng hình thức quét mã QR... góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Cùng với đó, thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm với quy mô lớn về du lịch thông minh đã được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của các cơ quan, ban, ngành có liên quan về du lịch thông minh để từ đó có những phương thức thực hiện hiệu quả.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung xây dựng các nền tảng số dùng chung trong ngành nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ. Các nền tảng đó gồm có: Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; Hệ thống thông tin điều hành du lịch; Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia; Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện; các website du lịch quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá du lịch... Đồng thời, Cục cũng xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số du lịch và tổ chức các lớp tập huấn tại nhiều địa phương trên cả nước.

Các nền tảng số, công cụ số đều đã sẵn sàng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới tập trung nghiên cứu, áp dụng các nền tảng số dùng chung để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quảng bá, kinh doanh du lịch và hỗ trợ du khách. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa, tích hợp thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để hình thành cơ sở dữ liệu lớn ngành du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tháo gỡ điểm nghẽn để du lịch thật sự thông minh

z5812409133700_212a62245cdaf3f82bcb47c3c8c88793-1-.jpg
Ảnh minh họa.

Dù có những chuyển biến tích cực nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh nhỏ lẻ, hạn chế về vốn nên việc đầu tư vào các ứng dụng công nghệ còn thiếu đồng bộ.

Không khó để nhận ra, trên thị trường du lịch trực tuyến hiện nay, các công ty lữ hành online mang thương hiệu quốc tế đang độc chiếm thị phần. Hiện chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến. Bên cạnh vấn đề cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh du lịch trong nước còn phải đối diện với nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu. Chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh quốc tế ở mảng du lịch trực tuyến; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch thông minh lại vừa thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những khó khăn trên sẽ được tập trung tháo gỡ trong giai đoạn tiếp theo của đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường sẽ tạo đà cho du lịch Việt Nam tăng tốc, sớm trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, theo ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch thông minh, lộ trình của Việt Nam đòi hỏi một chiến lược minh bạch, phối hợp và bền vững. Thách thức nằm ở việc sắp xếp các bên liên quan với các chương trình đa dạng, bất kể với mục đích tạo ra lợi nhuận hay thúc đẩy sự bền vững, cùng phải hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy ngành du lịch của đất nước. Các cơ quan chính phủ có thể đi tiên phong bằng cách thực hiện các chính sách khuyến khích áp dụng kỹ thuật số và tạo ra khung pháp lý hỗ trợ đổi mới. Sự tham gia tích cực của các nền tảng du lịch đóng vai trò quan trọng trong hành trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hướng tới hệ sinh thái du lịch thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO