Mới đây, tại Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Ba Lan gồm: Tập đoàn Adamed và Hãng hàng không LOT Airlines.
Cung cấp dược phẩm từ Việt Nam ra khu vực và thế giới
Adamed là Tập đoàn dược phẩm-công nghệ sinh học hàng đầu Ba Lan. Hiện tại, Tập đoàn có hơn 2.500 nhân viên, 2 nhà máy sản xuất ở Ba Lan và 1 ở Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, lãnh đạo Adamed cho biết tập đoàn đã tham gia hiện đại hóa Trung tâm R&D và nhà máy sản xuất của Davipharm tại Bình Dương. Davipharm cũng là một trong số các công ty tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn EU-GMP cung cấp thuốc chất lượng cao trong 12 lĩnh vực điều trị khác nhau không chỉ cho bệnh nhân Việt Nam mà còn cho xuất khẩu.
Với sự phát triển vượt bậc, Adamed nhận thấy Việt Nam có tiềm năng lớn để đầu tư, nhất là nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, cơ quan của Chính phủ và chính quyền địa phương. Do đó, Adamed có ý định và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam; rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam.
Adamed cam kết sản xuất các loại dược phẩm chất lượng cao, không chỉ vì sự phát triển kinh tế mà phục chăm sóc sức khoẻ người dân, tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa khác; đặc biệt, mong muốn thay đổi nhận thức về các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, trong đó có thuốc chữa bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Adamed đầu tư hiệu quả tại Việt Nam; hoan nghênh Adamed mở rộng quy mô đầu tư, phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư của Việt Nam, nhất là đối với ngành nghề công nghệ cao, phục vụ chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng đời sống dân sinh của Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn, cùng với nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, Adamed cần xây dựng, quảng bá thương hiệu mạnh mẽ hơn, để các sản phẩm của Adamed nói chung và Adamed Việt Nam (Davipharm) nói riêng đến được nhiều hơn với người tiêu dùng.
Đề nghị Adamed mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ vướng mắc nếu có để Tập đoàn phát triển thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam.
Mở đường bay trực tiếp Ba Lan-Việt Nam
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Michal Fijol, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không LOT.
LOT Airlines là hãng hàng không quốc gia của Ba Lan và là thành viên sáng lập của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). LOT được biết đến là một trong những hãng hàng không lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Tính đến tháng 8/2024, LOT sở hữu đội bay gồm 80 máy bay và là hãng hàng không lớn thứ 18 tại châu Âu, phục vụ 105 điểm đến nội địa và quốc tế trên khắp châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.
Chúc mừng những thành tựu lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng, lãnh đạo LOT khẳng định tiềm năng phát triển lớn của ngành hàng không tại Việt Nam, bao gồm vận tải hành khách doanh nhân, khách du lịch và vận tải hàng hóa.
Năm 2010, LOT đã mở đường bay mới từ Warsaw đến Hà Nội, ban đầu gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đường bay Warsaw-Hà Nội đã tạm thời dừng hoạt động từ năm 2020.
Hiện tại, LOT đang quan tâm đến việc khôi phục lại quan hệ kinh doanh với Việt Nam, cụ thể là vận hành lại tuyến bay Warsaw-Hà Nội, kỳ vọng tiếp tục phát triển các hoạt động kinh doanh hàng không tại Việt Nam, bao gồm vận tải hành khách, du lịch và hàng hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận hành sân bay. Hiện hãng cũng đang khai thác các chuyến bay charter (thuê chuyến) giữa Warsaw-Phú Quốc và riêng năm 2024 đã mang 15 nghìn du khách Ba Lan tới Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh hoạt động kinh doanh hiệu quả của LOT trong thời gian qua bất chấp những biến động của tình hình thế giới; đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và LOT trong vận chuyển hành khách và phục vụ vận chuyển hàng hóa.
Nhấn mạnh hàng không có vai trò rất quan trọng kết nối, hội nhập, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu con người, Thủ tướng cho biết quan hệ Việt Nam-Ba Lan đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực hàng không, đây là những nền tảng tốt để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp hàng không.
Thủ tướng cũng đề nghị LOT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines và các cơ quan liên quan để trao đổi, giải đáp về các thông tin liên quan cũng như tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để tập đoàn nói riêng và các nhà đầu tư Ba Lan nói chung đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững, phù hợp quy định pháp luật tại Việt Nam.
Về hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Ba Lan, hiện Ba Lan là đối tác thương mại lớn thứ 8, nhà đầu tư lớn thứ 9 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Thời gian qua, thương mại song phương giữa hai nước luôn tăng trưởng đều đặn ở mức 2 con số (năm 2024 là 21,4%.)
Về đầu tư, tính lũy kế tới hết tháng 12/2024, Ba Lan hiện có 33 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Việt Nam cũng đã có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng số vốn đăng ký 3,6 triệu USD.
Ba Lan hiện cũng là điểm sáng về công nghệ, công nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ba Lan được coi là trung tâm công nghệ thông tin của châu Âu với các thành phố nổi danh như Vácsava, Krakow, Wrocław và Gdansk - nơi hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn từ các starup đến các tập đoàn toàn cầu như Google, IBM, Microsoft...
Cùng với đó, Ba Lan còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như sản xuất ô tô, đóng tàu, sản xuất điện tử và máy móc thiết bị điện; công nghiệp khai khoáng, hóa dầu, và chuyển đổi năng lượng với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh tiên tiến.
Thời gian tới, các doanh nghiệp hai nước sẽ tập trung hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2030 như mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Các doanh nghiệp Ba Lan sẽ đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của Ba Lan, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất và chế tạo công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và y tế, vận tải, tài chính và ngân hàng.