Vụ mua bán hóa đơn trái phép: Các đối tượng trục lợi hàng trăm tỷ như thế nào?

10/12/2023 21:03

Với vai trò trung gian, nhiều đối tượng đã thực hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn với các doanh nghiệp có nhu cầu “hợp thức hóa” đầu vào để phục vụ quyết toán thuế, qua đó thu lợi từ 1-8% giá trị hóa đơn khống.

nh minh họa (Nguồn: vneconomy.vn)

Như Báo Công lý đã đưa, ngày 19/12 tới đây, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với các bị cáo trong vụ án liên quan tới đường dây mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất từ trước đến nay, do Nguyễn Minh Tú (SN 1992, trú tại TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng, xảy ra ở Phú Thọ và hàng chục tỉnh thành khác trên cả nước.

Bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn GTGT cho 88.053 đơn vị, tổ chức

Theo hồ sơ vụ án, Tú đã thuê người để làm các thủ tục mua 646 doanh nghiệp, sau đó thiết lập mạng lưới gồm 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các đơn vị có nhu cầu trên cả nước.

Các đối tượng thu của bên mua hóa đơn từ 1-8% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn khống, trục lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Sau thời gian dài hoạt động, Tú và đồng phạm đã bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn GTGT cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng; qua đó Tú hưởng lợi hơn 294 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, với vai trò là trung gian, Lê Phạm Nhật Duy (SN 1998, trú tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đã thiết lập mối quan hệ trong đường dây mua bán hóa đơn GTGT của Tú, với tên “mã khách hàng” là “Le Duy”.

Trong năm 2021 và 2022, các bị cáo này đã sử dụng 119 công ty để bán tổng số 87.534 hóa đơn GTGT cho 9.391 đơn vị, với tổng doanh số là 7.800 tỷ đồng, trong đó tiền hàng là hơn 7.133 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, Duy sẽ thu tiền bán hóa đơn của khách hàng là 1,7% doanh số tiền hàng (chưa bao gồm thuế GTGT) tương đương hơn 121 tỷ đồng, sau đó Duy phải chuyển cho Tú 1,5% tương đương 107 tỷ đồng, còn lại Duy sẽ được hưởng lợi 0,2% (khoảng hơn 14 tỷ đồng).

Trong số 9.391 đơn vị đã mua hóa đơn của Nguyễn Minh Tú thông qua Lê Phạm Nhật Duy, Cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ 4 đơn vị gồm Công ty cổ phần Nam Sơn Vic, Công ty cổ phần Xây dựng Trường Khương Thịnh, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Hoàng Hương và Công ty TNHH MTV Kim Ngọc Minh Phát.

Cũng thuộc “top đầu” nhóm trung gian trong đường dây của Tú, Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1995, trú tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), với tên “mã khách hàng” là “Minh Quốc” đã bán số hóa đơn với tổng doanh số lên tới hơn 1.963 tỷ đồng. Theo đó, Tú và Dũng đã sử dụng 142 công ty để bán 21.956 hóa đơn GTGT cho 3.534 đơn vị, trong đó tiền hàng là 1.801 tỷ đồng.

Dũng thu tiền bán hóa đơn của khách hàng là 1,2% doanh số tiền hàng (chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương 21,6 tỷ đồng), sau đó chuyển cho Tú 1%, tương đương 18,01 tỷ đồng, còn lại Dũng sẽ được hưởng lợi 0,2%, tương đương 3,6 tỷ đồng.

Trong số 3.534 đơn vị đơn vị đã mua hóa đơn của Đỗ Văn Dũng, Cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ 1 đơn vị là Công ty TNHH SUNBABY.

Cũng trong đường dây này, Phạm Thanh Thuận (SN 1996, “mã khách hàng” là “Thanh Thuận”) đã bán hóa đơn cho Công ty TNHH Tiếp thị truyền thông Niche, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Đại Tín, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ NCC Đồng Nai và 982 đơn vị khác 9.452 hóa đơn GTGT, với tổng doanh số là 1.405 tỷ đồng;

Nguyễn Thủ Thành (SN 1977, có “mã khách hàng” là “Plus”) đã bán hóa đơn cho Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Tín Thành, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Bảo An và 3 đơn vị khác với tổng doanh số gần 29 tỷ đồng. Thành cũng thỏa thuận thu của các đơn vị này 3,5% doanh số tiền hàng chưa bao gồm thuế GTGT, sau đó hưởng lợi 0,5%.

Hợp thức đầu vào, doanh nghiệp phải “mua” hóa đơn “khống”

Để xảy ra vụ việc trên, không chỉ là hành vi trục lợi các chính sách thuế của Nhà nước, mà còn xuất phát từ thực tế là nhiều doanh nghiệp không minh bạch trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dẫn đến việc không được xuất hóa đơn GTGT để kê khai đầu vào phục vụ thanh, quyết toán thuế.

Đơn cử như tại Công ty TNHH dịch vụ vận tải Tâm Phước, Công ty TNHH Vận tải Nguyên Lợi do Trần Thị Phương Anh (trú tại tỉnh Lâm Đồng) làm giám đốc, người điều hành, do mua các vật tư như lốp ô tô, dầu DO, máy tính để phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng bên bán hàng không xuất hóa đơn.

Để hợp thức hàng hóa đầu vào, Phương Anh đã liên hệ với một cá nhân tên Tín để mua 415 hóa đơn GTGT, với tổng doanh số gần 85 tỷ đồng, trong đó tiền thuế là hơn 7,7 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, Phương Anh phải trả cho Tín hơn 4,6 tỷ đồng, tương đương 6% giá trị tiền hàng thể hiện trên hóa đơn.

Sau khi mua số hóa đơn trên, Phương Anh đã sử dụng để kê khai, hạch toán chi phí kinh doanh của Công ty Tâm Phước và Công ty Nguyên Lợi tại Chi cục thuế quận Bình Thạnh, TP.HCM trong năm 2021.

Cũng với nguyên nhân bên bán không xuất được hóa đơn đầu vào cho các loại nhiên liệu, văn phòng phẩm đã mua, Lê Thế Chân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mai dịch vụ Đồng Đại Tiến đã liên hệ với cá nhân tên “Hân” để mua 289 hóa đơn GTGT của 23 công ty trong đường dây của Tú, với doanh số hóa đơn hơn 36 tỷ đồng.

Sau khi mua số hóa đơn trên, Chân đã trả cho “Hân” hơn 1,3 tỷ đồng, tương đương 4% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn; đồng thời sử dụng để kê khai thuế GTGT đầu vào của Công ty Đồng Đại Tiến tại Chi cục thuế khu vực huyện Trảng Bom - Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Giám đốc doanh nghiệp biến thành trung gian để hưởng lợi

Trong vụ án này, Vũ Thị Ban, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Global Metal (nay đổi tên thành Công ty TNHH Kinh doanh thương mại tổng hợp Xuân An) và kế toán Đặng Minh Đức được xác định trực tiếp tham gia với vai trò là trung gian, sau khi đã mua nhiều hóa đơn trong đường dây của Tú.

Theo đó, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã mua hàng hóa của các hộ kinh doanh, cá nhân...để bán cho khách hàng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa đầu vào và hợp thức số lượng hàng hóa xuất khống đầu ra, với vai trò là giám đốc, Vũ Thị Ban đã chỉ đạo kế toán là Đặng Minh Đức liên hệ với nhân viên tên Hiền (trung gian của Tú) để mua hóa đơn với thỏa thuận chi phí từ 1,5-2% giá trị hàng hóa.

Tổng cộng trong năm 2021 và 2022, Ban đã mua 134 tờ hóa đơn GTGT, với tổng doanh số hơn 154 tỷ đồng, trong đó tiền hàng hóa, dịch vụ là 140 tỷ, tiền thuế là 14 tỷ đồng.

Thủ đoạn hợp thức thanh toán tiền qua ngân hàng của các bị cáo cũng hết sức tinh vi.

Theo đó, đối với nguồn tiền do các công ty tài chính bên Tú hợp thức thì Hiền chuyển từ 1,6 % đến 2% (tương tương tiền bán hóa đơn) tổng giá trị tiền hàng, rồi chuyển tiền đến tài khoản cá nhân Đức, sau đó Đức nộp tiền vào tài khoản Công ty TNHH Global Metal (bù thêm tiền) rồi chuyển thanh toán cho các công ty bán hóa đơn.

Đối với nguồn tiền của Công ty TNHH Global Metal, Đức chuyển tiền đến các tài khoản công ty bán hóa đơn, sau đó Hiền giữ lại từ 1,5 đến 1,8% tổng giá trị tiền hàng rồi chuyển trả vào tài khoản của Đức.

Không những thế, khi thấy các hoạt động mua bán hóa đơn thuận lợi, Ban còn chỉ đạo Đức liên hệ mua 82 tờ hóa đơn từ đường dây của Tú để bán cho Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng Đại Long, Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại HTV Homes Việt Nam và 11 đơn vị khác là khách hàng của Ban, với tổng doanh số hơn 70 tỷ đồng, hưởng lợi chênh lệch 874 triệu đồng sau khi đã trả cho Hiền 844 triệu đồng.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng còn xác định, có 67/73 đối tượng trung gian còn lại đã bán 472.766 hóa đơn, với tổng doanh số hơn 36.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do hết thời hạn điều tra nhưng chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch và hành vi phạm tội của các đối tượng trên, nên Cơ quan điều tra tách hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn” của 67 đối tượng trung gian này để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Mạnh Hùng

Theo Vụ mua bán hóa đơn trái phép: Các đối tượng trục lợi hàng trăm tỷ như thế nào?
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ mua bán hóa đơn trái phép: Các đối tượng trục lợi hàng trăm tỷ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO