Xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường lớn tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng

Hoài An 08/05/2024 16:42

Tình hình xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang các thị trường lớn trong những tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đạt 13 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 10%. Trừ tháng 2 do rơi vào Tết Nguyên đán, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang 2 thị trường trên trong tháng 1 tăng trưởng 3 con số. Cụ thể, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này trong tháng 1 năm nay tăng trưởng ấn tượng với 151% đạt 7 triệu USD.

Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Nhật Bản sau vụ xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản, đã khiến Trung Quốc tăng nhập hàng từ các nguồn khác trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc ở Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1 năm nay để phục vụ Tết nguyên đán ở nước này. Nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Trung Quốc tăng trong quý đầu năm nay cũng là để phục vụ nhu cầu Tết Thanh minh và kỳ nghỉ lễ Lao động (1/5).

Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông gọi tên các sản phẩm mực khi chiếm đến 93%, bạch tuộc chỉ chiếm 7% tổng xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu sang Trung Quốc.

Quý đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn giá trị xuất khẩu các sản phẩm bạch tuộc.

Các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam mà Trung Quốc tiêu thụ mạnh trong quý đầu năm nay gồm mực sống/tươi/đông lạnh (tăng ấn tượng 275%) và bạch tuộc chế biến (tăng 55%).

Ngoài ra, thị trường Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như mực khô, mực ống và mực nang khô, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...

Quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu bạch tuộc đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc dao động từ 3,5 - 4,9 USD/kg, giá trung bình xuất khẩu mực đông lạnh dao động từ 1,8 - 3,4 USD/kg. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá bạch tuộc tăng kể từ tháng 1 trong khi giá mực lại có xu hướng giảm từ tháng 1.

Tăng trưởng ấn tượng từ xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ. (Ảnh minh hoạ)

Xuất khẩu cá tra dự báo tăng khoảng 10% từ quý II năm 2024

Còn đối với xuất khẩu cá tra, theo thông tin từ VASEP, trong quý I/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 411 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên theo dự báo, tình hình xuất khẩu cá tra tốt hơn từ quý III/2024, kéo theo xu hướng giá xuất khẩu được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.

Mặt hàng chủ lực của xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường là sản phẩm phile đông lạnh. Tính đến hết tháng 3/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh đạt 329 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá tra nguyên con tươi/đông lạnh/khô đạt giá trị hơn 73 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: Trung Quốc mua từ Việt Nam tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; Mỹ nhập khẩu tăng 449% so với cùng kỳ.

Ngoài các thị trường lớn của cá tra Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU... Thái Lan, UAE, Đức là những thị trường nhỏ có tiềm năng.

Mặc dù quý I/2024, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực tuy nhiên nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. VASEP dự báo tình hình sẽ tốt lên từ quý III và quý IV, kéo theo đó là xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.

Trong bối cảnh các chi phí như nhân công, xăng dầu, logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có được mức giá bán phù hợp để đáp ứng nhu cầu từng thị trường là điều cần thiết để ngành cá vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng dần giá bán trong thời gian tới của năm 2024. VASEP cho rằng, doanh nghiệp nên cân nhắc giá xuất khẩu hợp lý và điều chỉnh tăng dần từ 5 - 10% từ nay cho đến quý III và quý IV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường lớn tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO