Nhằm chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, Bộ Tài chính đang tăng cường rà soát, quản lý giám sát thuế đối với hoạt động livestream bán hàng trên mạng.
Phiên livestream mang về con số doanh thu khủng lên đến hàng chục tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tình hình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử với hình thức livestream đang ngày càng trở nên phát triển và thu hút được số lượng lớn khách hàng. Trong đó, nhiều phiên livestream đạt đến doanh thu hàng tỷ đồng. Điều này đã khiến livestream bán hàng trở hành thành xu hướng mới trong kinh doanh online tại Việt Nam, là một ngành nghề vô cùng “hot”, mang về con số thu nhập khủng cho nhiều người bán hàng.
Trước tình hình đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, trả lời câu hỏi liên quan đến việc quản lý chống thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng với doanh thu hàng tỷ đồng như thế nào, đại diện Bộ Tài chính khằng định: “Khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.”
Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, ông Chi cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.
Cụ thể, nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Còn đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu thì thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng là hoạt động được phát sinh trong quá trình phát triển công nghệ thông tin. Thời gian qua, cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả các đối tượng tham gia hoạt động này, để hiểu rõ các quy định về thuế. Từ đó, họ tự tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh.
Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn. Giải pháp này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội.
Dẫn số liệu 2 năm gần nhất về thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT, trong đó có livestream bán hàng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Năm 2022, doanh thu quản lý thuế từ TMĐT là 3,1 triệu tỷ đồng và số cơ quan thuế thu được đạt trên 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng và số thu trên 97.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 3 năm (2021-2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313).
Tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh, gồm doanh nghiệp 543, cá nhân là 21.616, với số thuế tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.