Báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Đối với người dân Việt Nam, thịt lợn không chỉ là loại thực phẩm chính cung cấp các chất dinh dưỡng như protein, lipit, vitamin và khoáng chất,… mà còn là nguyên liệu quan trọng trong các món ăn truyền thống, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay sum họp gia đình. Do đó, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của Việt Nam ngày càng tăng.
Theo đó, số thịt lợn xuất chuồng đạt 53,53 triệu con, tương đương trên 5,18 triệu tấn thịt lợn hơi (chiếm 62,6% tổng sản lượng thịt các loại của cả nước). Hiện, tỷ trọng thịt lợn trong cơ cấu tổng sản lượng thịt của Việt Nam cao hơn so với tỷ trọng thịt lợn trên toàn thế giới (khoảng 40%).
Năm 2021, 2022 và 2023, Việt Nam đều đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới, chiếm lần lượt 2,4%, 2,5% và 3% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu. Năm 2024, với sản lượng thịt hơi trong nước đạt xấp xỉ 5,2 triệu tấn, Việt Nam chiếm 4,3% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu.
Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm.
Đặc biệt, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn.
Ngoài số lượng 53,53 triệu con lợn xuất chuồng, các doanh nghiệp còn chi thêm 460 triệu USD (khoảng 11.730 tỷ đồng) để nhập khẩu 292.000 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trong hai tháng đầu năm nay, nhập khẩu thịt lợn đạt 25.500 tấn, giá trị gần 50 triệu USD, tăng mạnh 37% so với cùng kỳ năm 2024.
Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu gồm: thịt vai, mỡ, sườn và các phụ phẩm lợn.
Nga đang là đối tác cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu.