Tỷ phú Bernard Arnault, doanh nhân, nhà đầu tư và nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp, đứng sau đế chế xa xỉ LVMH. Dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn này sở hữu hàng loạt thương hiệu danh tiếng như Louis Vuitton, Christian Dior, Tiffany & Co, cùng nhiều thương hiệu cao cấp khác, góp phần định hình thị trường hàng xa xỉ toàn cầu.
Tỷ phú Bernard Arnault có tên đầy đủ là Bernard Jean Étienne Arnault (sinh ngày 5/3/1949 tại Roubaix, Pháp) trong một gia đình có truyền thống kinh doanh.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện được khả năng kinh doanh trời phú và nhờ khả năng kinh doanh đầy táo bạo - đã giúp ông tạo nên những thành công rực rỡ trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Bernard Arnault tốt nghiệp Trường Trung học Maxence Van Der Meersch ở Roubaix. Tiếp đó, ông thi đỗ vào ngôi trường danh giá bậc nhất ở Pháp École Polytechnique. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, Bernard bắt đầu sự nghiệp của mình tại công ty xây dựng của gia đình.
Năm 1974, Bernard Arnault trở thành Giám đốc phát triển của công ty và đến năm 1976, ông đã thuyết phục thành công cha mình giải thể bộ phận kinh doanh của công ty để dấn thân vào đầu tư bất động sản (khi đó đang rất tiềm năng) và tạo ra những dấu ấn đáng kể cho công ty dưới cái tên Férinel.
Năm 25 tuổi, sau 3 năm theo cha học hỏi việc kinh doanh, ông bắt đầu dần tiếp quản công việc, trở thành CEO năm 1977 và kế vị với vai trò chủ tịch chỉ 2 năm sau đó.
Cũng chính khoảng thời gian này, ông đã bắt đầu ấp ủ những ý tưởng đầu tiên cho đế chế LVMH hiện nay.
Trong một cuộc trò chuyện tình cờ với tài xế lái taxi, Bernard đã nhận ra nhiều người dân - thậm chí chẳng biết Tổng thống nước Pháp là ai, nhưng họ lại biết những thương hiệu xa xỉ như Christian Dior.
Bắt đầu từ năm 1981, khi chính trị nước Pháp xảy ra biến động lớn, những khó khăn đầu tiên đã xuất hiện trong sự nghiệp của Bernard, khiến cả gia đình ông phải chuyển đến Hoa Kỳ sinh sống và lập nghiệp lại từ đầu.
Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm kinh doanh, cùng sự nhạy bén trong đầu tư đã giúp ông đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ, thu về số vốn lớn. Năm 1983, khi nước Pháp ổn định hơn, ông đã quyết định về nước, đầu tư vào ngành dệt may, thời trang nhờ vào số vốn đã kiếm được ở Mỹ.
Năm 1984, với sự giúp đỡ của một đối tác, tỷ phú Bernard tiến vào thị trường hàng hóa xa xỉ bằng cách mua lại Financière Agachem, trở thành Giám đốc điều hành và nắm quyền kiểm soát Công ty dệt may Boussac, sở hữu nhãn hiệu Christian Dior. Đây là những bước đi đầu tiên, trong hành trình bành trướng ngành hàng xa xỉ của doanh nhân người Pháp này.
Năm 1989, Bernard trở thành cổ đông chính của LVMH Moët Hennessy - Louis Vuitton, tạo ra tập đoàn sản phẩm xa xỉ hàng đầu thế giới.
Ông cũng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành và chỉ trong 11 năm, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, cả doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500%.
Năm 1993, công ty mua lại Berluti và Kenzo cùng tờ báo kinh tế La Tribune, sau đó bán đi và tái đầu tư vào tờ báo chuyên về kinh doanh khác là Les Echos.
Trong những năm tiếp theo, Bernard tiếp tục củng cố sức mạnh khi sở hữu hàng loạt thương hiệu thời trang và làm đẹp cao cấp lừng danh thế giới như Louis Vuitton, Céline, Dior, Givenchy, Guerlain, Marc Jacobs, Sephora…, cũng như trang sức với TAG Heuer, De Beers, Tiffany & Co và Bulgari.
Bernard Arnault và gia đình của ông là một phần quan trọng của Tập đoàn LVMH.
Gia đình của Bernard Arnault, các con của ông (4 trong 5 người con) làm việc cho LVMH, đóng góp vào sự phát triển của tập đoàn. Vào tháng 7/2022, ông đã đề xuất - sắp xếp lại công ty nắm giữ của mình để trao cho các con cùng số lượng cổ phần bình đẳng.
Nói về "chìa khóa thành công," Bernard Arnault cho rằng: "Một công ty gia đình mang lại hai lợi thế quan trọng. Thứ nhất, bạn có thể suy nghĩ theo tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn, với Louis Vuitton, tôi không quá lo lắng về kết quả trong 6 tháng tới, mà tập trung vào việc duy trì vị thế thương hiệu trong 10 năm tiếp theo. Thứ hai, nó tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhân tài. Khi mọi người gia nhập LVMH, họ không chỉ là một phần nhỏ trong một tổ chức lớn, mà là thành viên của một gia đình, nơi họ nhận được sự quan tâm nhiều hơn."
Chìa khóa cho những thành công của doanh nhân giàu nhất thế giới còn đến từ những quyết định táo bạo. Tỷ phú tin rằng, việc kinh doanh sẽ trở nên thú vị khi đưa ra những quyết định mạo hiểm và nói rằng kiếm tiền không bao giờ là động lực của ông khi xây dựng công ty.