Sự kiện bình luận

Các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Hoài An 22/10/2024 20:44

Trước những kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực Việt Nam đã đạt được trong quý III/2024, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với dự báo trước đó.

116_vtqf.jpg
Các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi Việt Nam công bố mức tăng trưởng kinh tế ước đạt cao hơn mục tiêu đề ra, tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực tế của Việt Nam trong quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt hầu hết các dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế. Các tổ chức này đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với dự báo trước đó.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam ngày 18/10 vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam tăng 6,8% (từ 6,0%) nhờ kết quả GDP của quý III cao hơn dự kiến. Ngoài ra, Standard Chartered dự báo quý IV tăng trưởng ở mức 6,9%. Năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến ​​là 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Đồng thời, với sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, mặc dù áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại, nhưng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Việc Chính phủ đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế có thể giúp duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian tới và các động thái của Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào năm tới, thay vì vào quý IV năm 2024 như đã dự báo trước đây.

Ngoài ngân hàng Standard Chartered, bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam từ 6,5% lên 7%, đây là dự báo lạc quan nhất trong các tổ chức quốc tế, đồng thời là mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á mà ngân hàng này đưa ra cho các nền kinh tế.

Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng vừa điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng cả năm lên 6,4% (so với dự báo trước đó là 5,9%). UOB cho biết GDP thực tế của Việt Nam trong quý III/2024 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, khi các hoạt động phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ suy thoái do đại dịch. Kết quả mới nhất này đã góp phần nới rộng mức tăng 7,09% trong quý II năm nay, tạo nên mức tăng tích lũy trong 9 tháng đầu năm là 6,82%.

Tương tự, tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 lên mức 6,1% và năm 2025 lên 6,5%, cao hơn lần lượt mức 5,5% và 6% tại dự báo hồi tháng 4/2024. Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng kỳ vọng GDP năm 2024 của Việt Nam lên mức 6,1%. Sau đợt tham vấn định kỳ kết thúc vào cuối tháng 8, các chuyên gia của IMF nhận định năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5% bất chấp nhiều thách thức, nhờ các chính sách quyết liệt của Chính phủ.

Những xáo động trong thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động tới nền kinh tế. Từ cuối 2023, tăng trưởng bắt đầu phục hồi nhờ xuất khẩu và du lịch, cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng. Vì thế, IMF dự báo GDP năm nay tăng 6,1%, cao hơn so với mức gần 6% trong báo cáo của tổ chức này từ tháng 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO