Đây là phát biểu chỉ đạo đáng chú ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam ngày 21/4, tại thành phố Cần Thơ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã có sự chuyển biến.
Về đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL là 1.256 km đường bộ, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.
Đến nay, ĐBSCL đã hoàn thành 121 km trục dọc (gồm Bến Lức - Trung Lương - Mỹ Thuận chiều dài 91 km, cầu Mỹ Thuận 2 chiều dài 7 km, Mỹ Thuận - Cần Thơ chiều dài 23 km). Trong giai đoạn 2021-2025, đang triển khai 10 dự án/dự án thành phần cao tốc với chiều dài 432 km. Thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm khoảng 703 km, trong đó có dự án Cà Mau – Đất Mũi 90 km.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt, với nỗ lực đặc biệt, cách làm đặc biệt, có nhiều đổi mới, việc triển khai các dự án đã đạt kết quả đặc biệt, đến thời điểm này đã vượt mục tiêu đề ra, trong đó tuyến cao tốc trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) theo kế hoạch hoàn thành năm 2027 nhưng phấn đấu hoàn thành tháng 7/2026, tuyến trục dọc (Cần Thơ - Cà Mau) phải hoàn thành chậm nhất vào 19/12/2025.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ 3 yêu cầu lớn với các dự án là: Kịp và vượt tiến độ; (ii) Bảo đảm và nâng cao chất lượng; Không đội vốn, đội giá; đồng thời không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đang triển khai, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng ngay trong tuần tới hướng dẫn xong việc triển khai các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian gia tải, rút ngắn thời gian thi công.
Về nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hướng dẫn về điều phối cát sau khi dỡ tải từ dự án này sang dự án khác cũng như phương án điều chuyển các mỏ đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác cho dự án khác.
"Tháng 5/2021, chúng ta họp ở hội trường này bàn việc triển khai các dự án, lúc đó còn chưa biết nguồn vốn ở đâu. Nhưng đến nay đã đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được, chứng tỏ không có gì là không thể, chúng ta phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng phát biểu.
Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, với kinh nghiệm, tự tin, bản lĩnh, kinh nghiệm, trưởng thành hơn sau 4 năm qua, Thủ tướng yêu cầu cần làm nhiều hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn, "thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa" theo tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL cũng như các hạ tầng chiến lược khác, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
"Giải quyết được 5 phương thức giao thông (đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt) thì ĐBSCL thoát nghèo, do đó chúng ta phải quyết tâm làm, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với từng lĩnh vực cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, hết nhiệm kỳ này, ĐBSCL có 600 km cao tốc và phấn đấu tới năm 2030 có ít nhất 1.300 km cao tốc, cao hơn dự kiến trước đây gần 100 km.
Về hàng không, tiến hành mở rộng sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, tiến hành giải phóng mặt bằng.
Về đường biển, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể trong triển khai các dự án cảng lớn gồm Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai.
Về đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị khởi công đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong năm 2027, Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2028.