Pháp luật đời sống

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới dưới vỏ bọc shipper

Đỗ Việt 29/09/2024 08:33

Thời gian gần đây, tại một số địa phương “nở rộ” hình thức lừa đảo mới dưới vỏ bọc shipper của các công ty vận chuyển uy tín để giao hàng, sau đó dùng chiêu trò tinh vi khiến người dân sập bẫy.

Đánh vào tâm lý người mua hàng online

Khoảng một tháng trở lại đây, trên một số diễn đàn mạng, rất nhiều người dân bức xúc phản ánh tình trạng giả danh nhân viên shipper giao hàng, sau đó dựng lên kịch bản tinh vi để “dụ” người mua hàng làm theo hướng dẫn. Mặc dù, cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo, nhưng do thiếu cảnh giác, nhiều người trong số này vẫn sập bẫy của đối tượng lừa đảo.

Đơn cử là trường hợp của chị Lê Thu Hà, ở Long Biên, Hà Nội. Theo chị Hà, khoảng 10h ngày 26/9, có số điện thoại lạ xưng là nhân viên shipper của Viettel Post. Qua điện thoại, nhân viên này này nói có một bưu phẩm đề nghị xuống nhận, nếu không có nhà thì họ sẽ gửi lại bảo vệ tòa nhà và yêu cầu chị chuyển 240 nghìn đồng.

Do thường xuyên mua hàng online nên chị cũng không nghi ngờ mà chuyển tiền theo số tài khoản của shipper để thanh toán đơn hàng. Đáng nói, vừa chuyển tiền xong thì shipper gọi lại thông báo là gửi nhầm số tài khoản của công ty, gửi tiền vào đó đồng nghĩa với việc đăng ký thành công trở thành hội viên, mỗi tháng sẽ tự động khấu trừ 3,5 triệu đồng.

gia-danh-shipper-lua-dao.png
Tình trạng kẻ gian dùng thủ đoạn giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Người này liên tục xin lỗi và hướng dẫn chị Hà thao tác liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng theo một đường link để được hoàn lại số tiền đó. Khi bấm vào đường link theo hướng dẫn, lúc này có một người khác nhận là nhân viên công ty gọi điện, hướng dẫn chị hủy tư cách hội viên.

“Thấy bạn nhân viên hướng dẫn tận tình nên tôi làm theo và sau đó phát hiện tài khoản bị mất số tiền gần 10 triệu đồng, gọi lại theo các số điện thoại này thì đều không liên lạc được, lúc đấy tôi mới biết mình dính bẫy kẻ lừa đảo”, chị Hà ngậm ngùi.

Chị Hà cho rằng đây là một chiêu thức lừa đảo mới rất tinh vi, có kịch bản, có nhiều đối tượng tham gia, chị chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn các bà mẹ “bìm sữa” cần tỉnh táo để tránh sập bẫy của đối tượng lừa đảo.

May mắn hơn chị Hà, chị Nguyễn Thị Phương ở quận Hà Đông cho hay, đang làm việc ở cơ quan thì có số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là nhân viên shipper nói có ngân hàng X gửi cho một bưu phẩm, đề nghị xuống nhận, nếu không có nhà thì họ sẽ gửi lại và yêu cầu chị chuyển 20k tiền ship.

Thấy nhân viên này và nắm rõ thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, chị Phương thắc mắc thì nhân viên shipper quay sang “gằn” giọng và nói rằng “chị chuyển nhanh để em còn đi giao nơi khác”. Sau đó, người này liên tục gọi cho chị 3-4 cuộc bằng những số điện thoại khác nhau, nhắn tin lại bằng số khác. Trong khi nghe giọng người gọi là nữ nhưng khi nhắn tin chuyển khoản thì chủ tài khoản lại là nam.

Chị Phương chia sẻ “Tôi biết chắc có chuyện bất thường nên dù 20k cũng không chuyển. Sau khi sự việc xảy ra, tôi lên mạng tìm hiểu và đọc được cảnh báo của Công an phường về các thủ đoạn lừa đảo. Thật may, tôi không vì ham quà tặng “miễn phí” mà tiền mất tật mang”.

Người dân cần làm gì để tránh bị lừa

Không riêng ở Hà Nội, tình trạng kẻ gian dùng thủ đoạn giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng xảy ra tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác.

Trong những ngày qua, Công an nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo và khuyến cáo người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua. Không chuyển khoản hoặc thanh toán đơn hàng không có ảnh chụp mã vận đơn, thông tin người nhận.

Đặc biệt, tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian.

shipper-lua-dao1.jpg
Công an nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo và khuyến cáo thủ đoạn giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Quá trình xác minh sơ bộ, Công an xác định thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm, mua bán thông tin khách hàng từ các nguồn không chính thống.

Tiếp đó, chúng giả làm shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Nếu khách hàng ở nhà, nói sẽ ra nhận hàng thì các đối tượng hẹn 5-10 phút sẽ đến, nhưng sau đó cắt liên lạc, chặn số điện thoại.

Trường hợp nạn nhân không có nhà, đối tượng nói đã gửi hàng cho bảo vệ, người quen, hàng xóm và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Hoạt động lừa đảo chưa dừng lại ở đó. Sau khi nạn nhân chuyển tiền thành công, đối tượng liền thông báo đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper nên hàng tháng tài khoản của nạn nhân sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định hoặc thông báo món hàng của nạn nhân đã bị thu hồi.

Chúng dụ dẫn nạn nhân, để lấy lại số tiền đã chuyển mua hàng trước đó, phải nhập vào đường link do đối tượng cung cấp. Khi nạn nhân nhấp vào link này thì sẽ có đối tượng khác hướng dẫn các thao tác đăng nhập qua app ngân hàng. Từ đó, nạn nhân bị chiếm đoạt thông tin ngân hàng, chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Vì sao lộ, lọt thông tin dữ liệu cá nhân

Theo Bộ Công an, có hai nguyên nhân chính dẫn đến lộ, lọt dữ liệu cá nhân. Thứ nhất là do các hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng nhưng không bảo đảm an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập lấy cắp dữ liệu hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính.

Thứ hai là do người dùng chủ quan, bất cẩn tự mình lộ lọt thông tin trên mạng hoặc trên các website mua bán trực tuyến. Sim rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra. Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng DeepFake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện.

Theo congly.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới dưới vỏ bọc shipper
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO