Với sự hội tụ đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để bứt phá, trở thành động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vừa qua, tại buổi họp báo về triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá nền kinh tế khu vực vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới và nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2024 và năm 2025.
Theo báo cáo của quỹ này, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 6 tháng đầu năm nay hồi phục mạnh mẽ hơn so với các dự báo trước đây. Năm nay, tăng trưởng toàn khu vực, không bao gồm Nhật Bản dự báo đạt mức trung bình 4,6% và năm 2025 sẽ là 4,4%. Khu vực nay tiếp tục đóng góp 60% vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc dự báo tăng trưởng 4,8%, thấp hơn mức 5% được đưa ra hồi tháng 7.
Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Krishna Srinivasan của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp tới 60% tăng trưởng toàn cầu. Các nước ở châu Á cũng đã đưa lạm phát về mức thấp và ổn định nhanh hơn các khu vực khác. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết các ngân trung ương châu Á có thể cắt giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thực tế, sức tăng trưởng mạnh mẽ này là hệ quả của một quá trình phát triển dài hơi. Châu Á chiếm 57% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2021. Năm 2021, châu Á đóng góp 42% GDP thế giới (tính theo sức mua tương đương), nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác, củng cố vị thế của mình như là một sự hiện diện lớn trong thương mại thế giới. Châu Á chiếm 53% thương mại hàng hóa toàn cầu và từ năm 2001 đến năm 2021, chiếm 59% tăng trưởng thương mại. Lúc này, châu Á có tới 18 trong số 20 hành lang phát triển nhanh nhất và 13 trong số 20 hành lang kinh tế lớn nhất.
Mặt khác, IMF cũng kỳ vọng nhu cầu nội địa ở khu vực châu Á sẽ gia tăng trước các khu vực khác, sau những tác động của các đợt thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục vững chắc, mặc dù hai nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm lại phần nào vào năm 2025. Đối với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và rộng khắp.
Châu Á đang hội tụ đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để bứt phá, trở thành động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với niềm tin vững vàng như vậy, IMF quyết định nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực lên 4,6% trong năm 2024 và 4,4% cho năm 2025.
Chia sẻ về Việt Nam, ông Krishna Srinivasan cho biết: "Việt Nam đã làm tốt ở cả hai hướng, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm và tăng trưởng xuất khẩu nói chung. Nhìn vào dài hạn các nước trong khu vực phải có sự chuẩn bị tốt hơn khi tình thế thay đổi".
Các chuyên gia khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách châu Á nên tập trung vào chính sách tiền tệ và tài khóa, bảo đảm xây dựng được vùng đệm chống lại rủi ro giảm phát, đồng thời bảo toàn nhu cầu để giải quyết các thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, những căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại làm gián đoạn chuỗi cung ứng được xem là những yếu tố tác động nhiều mặt đến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.