Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 212/NQ-CP ngày 21/7/2025, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kéo dài đối với hai dự án hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM.
Hai dự án gồm: Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 – trị giá gần 10.000 tỷ đồng) và Dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1.
Giao TP.HCM điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ hai dự án
Theo Nghị quyết, Chính phủ giao UBND TP.HCM tổ chức lập, thẩm định và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của cả hai dự án theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ và minh bạch trong quá trình triển khai.
Riêng đối với dự án ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng, TP.HCM được phép thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thấp hơn giá trị công trình BT (sau rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý), phần chênh lệch còn lại sẽ được thanh toán bằng tiền từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố.
Thành phố cũng chịu trách nhiệm toàn diện về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, đơn giá đất và các thủ tục liên quan đến những khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, bảo đảm đúng pháp luật, minh bạch và không gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện đối với cả hai dự án, làm cơ sở tổ chức thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, tránh lãng phí và thất thoát ngân sách.
Hai dự án bị "đóng băng" từ năm 2020 vì vướng pháp lý
Dự án giải quyết ngập do triều tại TP.HCM có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 6/2016, hướng đến mục tiêu kiểm soát ngập cho 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Tuy nhiên, dù đã thi công hơn 90% khối lượng công trình, dự án vẫn phải tạm dừng từ năm 2020 do những vướng mắc về thanh toán quỹ đất, điều chỉnh hồ sơ kỹ thuật và hợp đồng BT.
Việc chậm tiến độ khiến công trình trọng điểm này bị bỏ hoang suốt 5 năm qua, làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến đời sống người dân, và đặc biệt làm giảm hiệu quả đầu tư công.
Cùng chung số phận, dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ Phạm Văn Đồng đến Gò Dưa – Quốc lộ 1, dài 2,7km thuộc tuyến Vành đai 2, cũng bị đình trệ từ năm 2020 sau khi mới đạt khoảng 44% khối lượng thi công. Đây là tuyến đường có vai trò then chốt trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông khu Đông và tăng khả năng kết nối liên vùng.
Quyết tâm “gỡ nút thắt”, sớm đưa công trình vào sử dụng
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 212/NQ-CP là bước đi mạnh mẽ trong nỗ lực gỡ nút thắt pháp lý kéo dài nhiều năm đối với các dự án BT (xây dựng – chuyển giao), vốn đang bộc lộ nhiều vướng mắc về cơ chế thanh toán bằng quỹ đất và tính pháp lý của hợp đồng.
Đồng thời, động thái này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tái khởi động các dự án hạ tầng trọng điểm để phục vụ dân sinh, chống ngập, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị bền vững tại TP.HCM.