Chính sách tài chính và ngân hàng năm 2024: Ảnh hưởng và Dự báo

18/02/2024 23:47

Các chuyên gia nhận định, với chính sách tài chính chủ động sẽ được duy trì năm 2024, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào các nhà điều hành để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách tài chính góp phần thúc đẩy kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để hỗ trợ hơn nữa cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò quan trọng, là một trong những chính sách vĩ mô đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Chính sách tài chính có tác động lớn đến kinh tế trong năm 2024

Trước hết, mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với chi phí vốn thấp hơn. Cụ thể, NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Các thành phần trong nền kinh tế hoàn toàn có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng với chi phí thấp hơn, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.

NHNN sẵn sàng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lí, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tỉ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung vẫn tương đối ổn định, góp phần củng cố niềm tin vào đồng Việt Nam.

Như vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực trong quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế; đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức thấp trước dịch COVID-19, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong bối cảnh các kênh cung ứng vốn khác gần như đóng băng và gặp khó khăn; đồng Việt Nam ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực trong khi lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Những thành công đó thể hiện sự linh hoạt, chủ động và hiệu quả trong việc phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và giải pháp điều hành.

Duy trì chính sách tiền tệ chủ động

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, chính sách tiền tệ năm 2024 - 2025 tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Tuy vậy, để làm được hay không lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ còn phải đối diện với một số khó khăn

“Hiện tại, tất cả ngân hàng trung ương đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường” với tự tin rất thấp, khả năng mắc sai lầm rất cao, kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Năm nay, tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chủ động phải duy trì, nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố: tỷ giá và lạm phát”, chuyên gia này nhận định.

Theo ông Thành, trong điều kiện bình thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng không tăng lãi suất điều hành, nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia đặt kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm sau, từ đó tạo động lực thúc đẩy tín dụng và cải thiện chi phí vốn cho các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng năm 2024 xoay quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh.

Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất cùng với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của chính phủ phát huy tác dụng , thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, yếu tố từ những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường này sớm đi qua giai đoạn suy thoái. Một động lực khác đến từ thị trường trái phiếu cần thêm thời gian từ 2-3 năm nữa để quay trở lại tăng trưởng mạnh như trước đây, trong khi đó kênh huy động vốn qua ngân hàng sẽ vẫn được ưu tiên.

KBSV cũng đưa ra nhận định, có sự phân hoá giữa các ngân hàng tuỳ thuộc vào room tín dụng được cấp. Đơn vị này còn dự báo, biên lãi ròng của cả ngành sẽ phục hồi trong năm 2024 dù điều kiện chung chưa thuận lợi tới mức có thể đưa con số này về mức đỉnh như năm 2022.

Đối với rủi ro ngành, KBSV lưu ý diễn biến suy yếu trong chất lượng tài sản từ giữa năm 2024 sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, bên cạnh rủi ro phục hồi chậm của thị trường thị trường trái phiếu và bất động sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của ngành.

Đánh giá chung về ngành ngân hàng, đơn vị này nhận định, ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ còn phải đối diện với một số khó khăn, nhưng nhìn chung, bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Đáng chú ý, khi bất động sản phục hồi, một số ngân hàng sẽ được hưởng lợi và trên cơ sở đó, sẽ có mức tăng trưởng hấp dẫn.

Trang Nhi

Theo Chính sách tài chính và ngân hàng năm 2024: Ảnh hưởng và Dự báo
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tài chính và ngân hàng năm 2024: Ảnh hưởng và Dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO