Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có báo cáo tới Quốc hội việc duy trì cơ chế điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).
Trong báo cáo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định sự cần thiết của cơ chế điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), dù rằng đã có những ý kiến đề nghị dỡ bỏ cơ chế này tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc xây dựng tiêu chí và phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch. Các tiêu chí này dựa trên tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của mỗi tổ chức, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Về hoạt động điều hành room tín dụng, trong giai đoạn 2022 - 2024, NHNN đã có những bước tiến đột phá trong việc quản lý và duy trì cơ chế đặc biệt này.
Trong những năm 2022 - 2023, NHNN đã có nhiều đợt điều chỉnh room tín dụng nhằm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Năm 2024, cơ quan này tiếp tục đổi mới bằng cách giao toàn bộ room tín dụng cho các ngân hàng và công bố công khai ngay từ cuối năm 2023.
Gần đây nhất vào ngày 28/8, NHNN tiếp tục thông báo room tăng thêm cho các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án kinh doanh, chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Lý giải về việc chưa thể chấm dứt cơ chế room tín dụng, NHNN cho rằng nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Nếu không có biện pháp kiểm soát, những hệ lụy như giai đoạn trước năm 2011 có thể lặp lại, gây bất ổn vĩ mô, gia tăng rủi ro lạm phát và nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN có thể kiểm soát tín dụng thông qua các công cụ thị trường thay vì biện pháp hành chính. Chẳng hạn, ngân hàng có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR). Với phương pháp này, khi ngân hàng muốn tăng mức tín dụng bao nhiêu sẽ phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng, tạo áp lực cho các ngân hàng nhỏ phải nâng cao đệm thanh khoản.
Dù có những ý kiến trái chiều, nhưng giới chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, NHNN có thể thực hiện thí điểm bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng khỏe mạnh trước khi áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để giảm rủi ro, NHNN cần phối hợp với các bộ, ngành nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển thị trường vốn, tránh để nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào hệ thống ngân hàng.