Chuyển dịch năng lượng xanh cơ hội để phát triển kinh tế bền vững

Hương Lan 10/07/2024 23:55

Việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo là điều kiện tiên quyết và động lực cho sự phát triển bền vững, đồng thời quá trình này cần rất nhiều nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

dien-mat-troi

Chuyển dịch năng lượng xanh cơ hội để phát triển kinh tế bền vững. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện mục tiêu net zero của Việt Nam, lĩnh vực năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi phát thải từ lĩnh vực năng lượng năm 2018 chiếm 68% lượng phát thải khí nhà kính quốc gia . Theo Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6% so với kịch bản phát triển thông thường với lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) và đến năm 2050, giảm 91,6% với lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ.

Chính vì vậy, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đánh giá về tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng, tại “Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới net zero” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết:  Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với việc từng bước chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ thể hiện cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế bền vững.

Đặc biệt, trong Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu đảm bảo năng lượng tái tạo chiếm 15-20% nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030; đến 2050 đảm bảo 80-85% năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Có thể nói, việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam đang trong cuộc. Tuy nhiên, theo đáng giá của các chuyên gia năng lượng, dù có trữ lượng và tiềm năng lớn, song đến nay, mức độ phát triển của năng lượng tái tạo Việt Nam đang có phần chậm lại. Vì vậy, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có của năng lượng tái tạo, rất cần có những chính sách khuyến khích mang tính đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng- ông Chử Văn Lâm cho hay.

ong-chu-van-lam

Ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam. 

Phân tích sâu về khó khăn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, theo Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Uy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Mặc dù bước đầu đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức. Khi việc ban hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng còn hạn chế, bất cập, cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ đòi hỏi phải tăng đáng kể vốn đầu tư và giảm thiểu tác động đến chi phí điện năng. Để đáp ứng nhu cầu tài chính này, cần kết hợp các nguồn lực, bao gồm phần hỗ trợ tài chính quốc tế, vốn đầu tư tư nhân và nguồn ngân sách nhà nước. Việt Nam cần tiếp tục thảo luận với các đối tác phát triển song phương và đa phương để đảm bảo nguồn tài chính có mức ưu đãi phù hợp nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tạo ra một số tác động bất lợi, đặc biệt là đối với các vấn đề về xã hội. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường xây dựng, thực hiện chính sách xã hội, chính sách chuyển đổi nghề, giúp đảm bảo người dân được hưởng lợi từ chuyển dịch năng lượng, không ảnh hưởng đến sinh kế. Bên cạnh đó, là những vấn đề liên quan đến tự chủ công nghệ, tài chính, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Đưa ra giải pháp cho chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Về hoàn thiện quy định pháp luật. cần sớm hoàn thiện các Văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, cần ban hành Nghị định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế khuyến khích ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế huy động các nguồn điện linh hoạt; khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng

Đồng thời, để triển khai hiệu quả quá trình chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương thúc đẩy các dự án nang lượng tái tạo. Thí điểm sớm triển khai dự án điện gió ngoài khơi với cơ chế đặc thù và thí điểm áp dụng hợp đồng mua bán điện với một số dự án điện LNG

Đôn đốc giám sát tiến độ đầu tư chuỗi khí-điện Lô B Ô Môn; thúc đẩy dự án khí-điện Cá Voi Xanh. Thực hiện nghiêm túc cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu thí điểm đầu tư một số cơ sở sản xuất năng lượng mới (hydrogen xanh, amoniac xanh, nhiên liệu sinh học tổng hợp).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển dịch năng lượng xanh cơ hội để phát triển kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO