Nhà đầu tư

Công bằng trong dự án PPP để thu hút nhà đầu tư

Minh Nguyên 07/11/2024 19:17

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian gần đây, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP (Đối tác công tư) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông, các dự án giao thông khó giải phóng mặt bằng, có lưu lượng giao thông thấp, hoặc địa hình đồi núi thường khó kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Trong khi đó, những dự án dễ giải phóng mặt bằng và có lưu lượng phương tiện cao lại được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

1.jkhdai-bieu-pham-van_-hoa-1-1-.png
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

“Điều này không hợp lý, gây thiếu công bằng cho các dự án PPP và dẫn đến việc thiếu thu hút nhà đầu tư,” đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, nhiều dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) chưa được giải quyết dứt điểm ở các địa phương, như chưa được phép thu phí hoặc phải dừng thu phí, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, việc sửa đổi và bổ sung một số quy định đối với các dự án PPP là cần thiết.

Về quy mô đầu tư theo phương thức công tư và quy định về quy mô tối thiểu cho các lĩnh vực, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay việc này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn, thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế "chia sẻ phần trăm giảm doanh thu" ( phương thức để phân chia rủi ro liên quan đến sự biến động của doanh thu trong suốt thời gian thực hiện dự án) trong các dự án PPP có thể dẫn đến rủi ro cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần thận trọng, xem xét kỹ từng dự án để bảo đảm hiệu quả cho cả nhà nước và nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ lợi ích chung.

Về hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng lĩnh vực này chỉ mới được thí điểm ở một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An, chưa có đánh giá đầy đủ về tác động và chưa rút ra được kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, ông đồng tình với cơ quan thẩm tra là chưa có đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế và thủ tục của hợp đồng BT.

Cuối cùng, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng chỉ ra một số tiêu cực trong việc chuyển giao tài sản cho nhà đầu tư, đặc biệt khi sử dụng tiền hoặc bất động sản mà chưa tính toán kỹ, có thể dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước hoặc thiệt hại cho nhà đầu tư.

Do đó, ông đề xuất, tùy vào từng dự án cụ thể, thay vì sử dụng hình thức BT, có thể sử dụng đầu tư công hoặc PPP sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Còn theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, việc mở rộng các lĩnh vực đầu tư trong các dự án PPP nhằm tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện dựa trên đánh giá thực tế tại các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và Đà Nẵng để đảm bảo tính hiệu quả và cơ sở vững chắc, nhất là khi việc triển khai PPP trong lĩnh vực này vẫn còn đối mặt với một số thách thức và chưa có đủ kết quả tổng kết.

Về việc rút ngắn các bước phê duyệt đầu tư, đại biểu cho rằng mặc dù có thể giúp giảm thời gian thực hiện, nhưng điều này cũng làm tăng nguy cơ giảm hiệu quả kiểm soát và khả năng phòng ngừa rủi ro cho Nhà nước. Do đó, cần phải có đánh giá cụ thể về tác động của việc bỏ bớt các bước này để tránh rủi ro phát sinh.

Về các hợp đồng BT, đại biểu cho biết một số địa phương vẫn chưa có đầy đủ tổng kết, vì vậy cần phải làm rõ hơn các lợi ích và hạn chế của loại hợp đồng này trước khi đưa vào luật.

Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định rõ ràng về phương thức thanh toán bằng quỹ đất, đảm bảo giá trị thanh toán phải tương ứng với giá trị công trình BT, tránh tình trạng thất thoát ngân sách Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bằng trong dự án PPP để thu hút nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO