Y tế - Giáo dục

Đào tạo liên ngành: Hướng đi chiến lược của Trường Đại học Luật TP.HCM

Đan Hà - Chu Phương 25/07/2025 09:16

Mới đây, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phát triển các chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP.HCM: Cơ hội, thách thức và giải pháp”.

Sự kiện thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, nhà khoa học và đại diện các đơn vị sử dụng lao động, cùng trao đổi, chia sẻ những góc nhìn thực tiễn nhằm định hướng chiến lược phát triển đào tạo liên ngành phù hợp với yêu cầu mới của xã hội.

ts.-le-truong-son-hieu-truong-truong-dh-luat-tp.jpg
TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh: “Với vai trò là cơ sở giáo dục đại học công lập trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đào tạo pháp luật, Trường Đại học Luật TP.HCM đang từng bước triển khai chiến lược phát triển theo hướng đa ngành. Trong đó, ngành luật tiếp tục giữ vị trí trung tâm, đóng vai trò nòng cốt. Trên hành trình đó, việc xây dựng và mở rộng các chương trình đào tạo liên ngành được xác định là một định hướng quan trọng, nhằm thích ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, quá trình hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường lao động.”

Tuy nhiên, theo TS. Lê Trường Sơn, việc phát triển các chương trình liên ngành tại Trường cần được triển khai một cách định hướng và có chọn lọc. Các chương trình này phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc của ngành luật, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực pháp lý liên quan, và quan trọng nhất là phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đây không chỉ là cơ hội để nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nhà trường, mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tính liên thông và tính ứng dụng của chương trình.

toa-dam-ghi-nhan-nhieu-de-xuat-tu-cac-chuyen-gia-giang-vien-va-nha-quan-ly-ve-phat-trien-chuong-trinh-lien-nganh-trong-dao-tao-phap-luat.jpg
Tọa đàm ghi nhận nhiều đề xuất từ các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý về phát triển chương trình liên ngành trong đào tạo pháp luật

Với mục tiêu đó, Tọa đàm sẽ là diễn đàn học thuật và thực tiễn, nơi các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, chuyên gia và đại diện đơn vị sử dụng lao động cùng trao đổi, chia sẻ và hiến kế cho việc phát triển các chương trình liên ngành một cách bài bản, hiệu quả và bền vững tại Trường Đại học Luật TP. HCM”

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi sôi nổi về nhu cầu và xu hướng đào tạo nguồn nhân lực sở hữu kiến thức liên ngành – chẳng hạn như Luật kết hợp với Công nghệ, Kinh tế, Y tế... Đồng thời, nhiều ý kiến cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai mô hình đào tạo liên ngành tại các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước.

PGS.TS. Phạm Quốc Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, khi chia sẻ tại diễn đàn, cho biết: việc thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo liên ngành đang ngày càng được quan tâm và định hướng cụ thể trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng linh hoạt với sự chuyển động không ngừng của thị trường lao động hiện đại.

Từ thực tiễn triển khai tại các trường, ông đề xuất Trường Đại học Luật TP.HCM cần tiến hành đánh giá toàn diện về nguồn lực sẵn có để lựa chọn mô hình đào tạo liên ngành phù hợp. Trên cơ sở đó, Nhà trường có thể thí điểm triển khai từ một đến hai ngành đào tạo liên ngành, ưu tiên lựa chọn các ngành thuộc thế mạnh truyền thống. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh vai trò của cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn – cụ thể là giao cho các liên khoa cùng đồng chủ trì thực hiện chương trình; đồng thời, Nhà trường cần đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất và nguồn lực nhằm bảo đảm điều kiện triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo liên ngành.

cac-dien-gia-va-dai-bieu-tham-du-chup-anh-luu-niem-tai-toa-dam-1-.jpg
Các diễn giả và đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm

Kết luận buổi Tọa đàm, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM – nhấn mạnh rằng Tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn phong phú, sâu sắc từ các nhà quản lý, giảng viên, chuyên gia giáo dục và giới nghiên cứu. Những trao đổi sôi nổi, mang tính thực tiễn và định hướng cao cho thấy: việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo liên ngành không chỉ là một xu thế tất yếu trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học, mà còn mở ra cơ hội để Trường Đại học Luật TP.HCM nâng cao vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng và khẳng định vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục pháp luật quốc gia.

Tuy nhiên, TS. Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng quá trình phát triển chương trình liên ngành đặt ra nhiều thách thức – từ khâu thiết kế chương trình, bố trí đội ngũ giảng viên, đảm bảo chất lượng đào tạo cho đến việc thay đổi nhận thức của người học và xã hội. Trước thực tế đó, việc hoạch định một chiến lược phát triển phù hợp, xác định rõ các ưu tiên trọng điểm, đồng thời phát huy tối đa nội lực và tăng cường hợp tác liên ngành, liên cơ sở đào tạo sẽ là những giải pháp thiết thực và khả thi.

“Tọa đàm hôm nay không chỉ dừng lại ở việc nhận diện cơ hội và thách thức, mà còn mở ra các định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình triển khai chương trình đào tạo liên ngành tại Trường trong thời gian tới. Những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu quý báu để Nhà trường tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển, khẳng định cam kết mạnh mẽ về chất lượng và tinh thần đổi mới trong giáo dục đại học” – TS. Sơn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo liên ngành: Hướng đi chiến lược của Trường Đại học Luật TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO