Theo Bộ Nội vụ, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy với lộ trình thực hiện là 5 năm, mỗi năm có tối đa 4%, tức khoảng 68.000 viên chức hưởng lương từ ngân sách có thể bị mất việc làm.
Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo Chính phủ về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, trong 5 năm tới các bộ, ban, ngành và địa phương giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Như vậy, sau khi tiến hành xong việc sáp nhập bộ máy, các bộ, ban, ngành và địa phương tiếp tục cơ cấu sắp xếp bên trong theo hướng giảm dần.
Trong cuộc họp cho ý kiến về Luật Việc làm (sửa đổi) mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc vào dự luật để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong trường hợp có sự gia tăng số lượng lớn người hưởng chính sách BHTN do quá trình sắp xếp bộ máy.
Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN là người lao động có giao kết hợp đồng lao động với thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là 3 tháng), người làm việc không trọn thời gian và có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Góp ý đề xuất này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN là cần thiết. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới như kinh tế nền tảng công nghệ... làm xuất hiện nhóm lao động mới. Tuy nhiên, nhóm này chưa được tham gia BHTN.
Đồng thời, nhóm này cũng là nhóm đối diện với nguy cơ cao về mất việc làm do các biến động về kinh tế, xã hội, tổ chức lao động nên cũng rất cần được hưởng các chế độ, chính sách về việc làm.
Vì vậy, luật nên hướng đến các nhóm làm công không có hợp đồng lao động, lao động di cư đến các đô thị, lao động làm việc trên nền tảng công nghệ…
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị mở rộng đối tượng tham gia BHTN có thể thiết kế dưới dạng chính sách BHTN tự nguyện.
Theo đó, người tham gia BHTN tự nguyện cũng được hưởng các quyền lợi tương tự như BHTN bắt buộc, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm. Việc xây dựng chính sách này là có thể thực hiện được trên cơ sở dữ liệu có sẵn hoặc thiết kế tương tự từ nguồn lao động tham gia BHTN.
Được biết, Luật Việc làm đang quy định người lao động phải đóng tối đa 1% tiền lương tháng vào quỹ BHTN, người sử dụng lao động đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng của những người đang tham gia vào quỹ BHTN.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm. Nhưng hiện quỹ đang kết dư lớn nên Nhà nước chưa hỗ trợ.
Tại lần sửa luật này, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên quy định trên, tuy nhiên bổ sung vào dự luật quy định cho phép Chính phủ được linh hoạt điều chỉnh mức đóng vào quỹ BHTN nhưng không cao hơn 1%
Việc cho phép điều chỉnh linh hoạt sẽ giúp cơ quan thực thi pháp luật kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, chẳng hạn như dịch COVID-19 vừa qua mà không phải trình Quốc hội xem xét.
Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật) cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 1,7 triệu viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các đơn vị tự chủ tài chính.
Khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy với lộ trình thực hiện là 5 năm, mỗi năm có tối đa 4%, tức khoảng 68.000 viên chức hưởng lương từ ngân sách có thể bị mất việc làm. Con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 1 triệu người/ năm).
Về phía cơ quan quản lý quỹ, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, thừa nhận việc sắp xếp bộ máy “có tác động” đến quỹ do người lao động giảm thời gian đóng và tăng thời gian hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, Ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ toàn bộ khoản kinh phí. Nhà nước sẽ rót tiền đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian đủ từ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Đối với người không phải cán bộ, công chức và không đủ điều kiện để nghỉ hưu sớm mà thôi việc do tinh gọn bộ máy, ông Thọ cho biết họ sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Song song đó là hưởng chế độ từ quỹ BHTN.