Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tại thị trường Mỹ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng hơn việc tuân thủ các quy định trong thương mại, tránh nguy cơ bị khởi kiện điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế cũng như các hạn chế khác mà Mỹ có thể đặt ra để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 12/2024 đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 11.
Tính cả năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 119,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm trước.
Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, và các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Trong năm 2024, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu.
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm 2024 so với năm trước đó còn có: Sản phẩm từ chất dẻo tăng 42,4%; sắt thép các loại tăng 54,8%; hạt tiêu tăng 84,2%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 42,9%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 88,1%; chè tăng 47,5%.
Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ.
Năm 2024, Việt Nam là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ như điện tử, nông sản, thủy sản, đồ nội thất, trang trí… chiếm vị thế hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đây là các nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và Mỹ có nhu cầu lớn.
Trong năm 2025, theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn nhờ vào chi phí lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư thuận lợi và năng lực sản xuất ngày càng nâng cao.
Người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm bền vững, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sản xuất và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng này, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt và vượt qua một số thách thức lớn. Các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may và sắt thép, có thể làm gia tăng áp lực lên các nhà xuất khẩu.
Ngoài ra, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn ESG và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ và đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Với nền tảng vững chắc từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và các cơ hội từ xu hướng toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2025 không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn tiếp tục củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tận dụng tốt các cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến lớn, mở ra một chương mới đầy triển vọng trong hợp tác thương mại với Hoa Kỳ.