Thời gian qua, ngành cơ khí Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa và phát triển thị trường.
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế.
Theo đó, ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với quan điểm cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, gắn kết sản xuất cơ khí với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất công nghiệp thế giới. Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí và tự động hóa, từ đó thúc đẩy năng lực nội tại của doanh nghiệp, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí", TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, ngành cơ khí Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến lớn cả về quy mô và chất lượng. Những thành tựu này là kết quả của sự phối hợp giữa các chiến lược phát triển đồng bộ của Nhà nước và doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong nước trong việc thiết kế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy, ngành cơ khí đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Nếu trước đây, các dây chuyền lắp ráp chủ yếu do các hãng nước ngoài như Honda, Toyota, Hyundai chi phối, thì nay Việt Nam đã tự chủ trong việc thiết kế và vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại. Điển hình là sự thành công của VinFast với các dòng xe VF3, VF7, VF8, chứng minh năng lực ngày càng cao của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay sự xuất hiện đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, LF, Panasonic, Qualcomm hay một số đơn vị liên quan đến mảng ô tô như Hyundai là những cơ hội rất lớn để doanh nghiệp cơ khí có thể tiếp cận với các đối tác khách hàng từ nước ngoài. Những yêu cầu của các tập đoàn lớn đã giúp doanh nghiệp trong nước biết đến các tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ, tiêu chuẩn Nhật để doanh nghiệp hình thành nên những bộ tiêu chuẩn để tuân thủ theo.
Ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong ngành sản xuất đang được hưởng lợi rất nhiều từ các làn sóng chuyển dịch của các khách hàng mới. Do đó nếu không chủ động chớp lấy cơ hội, chắc chắn cơ hội sẽ vụt đi, và rất khó để có lại những cơ hội như vậy.
“Doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục hành chính khá nhiều. Tôi cũng mong các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay sẽ được đơn giản hóa hoặc có cơ chế để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, từ việc làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực nội tại, đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự đồng hành của Chính phủ, các hiệp hội ngành hàng và chính các doanh nghiệp.
Với chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt, ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.