Cafe doanh nhân

Thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng của phát triển bền vững

Nguyễn Thu Hoài 08/12/2024 19:20

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong cuốn “Quản trị bằng Văn hóa” của tác giả TS. Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, ông đã định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp như sau: “Văn hóa doanh nghiệp chính là cách nghĩ, cách sống và cách làm của doanh nghiệp. Hay nói một cách cụ thể hơn, văn hóa doanh nghiệp chính là cách nghĩ, cách sống và cách làm việc của từng con người trong doanh nghiệp đó”.

cach-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-ben-vung-1-.jpg
Ảnh minh họa

Như vậy, có thể hiểu, văn hóa doanh nghiệp là những giá trị cốt lõi, niềm tin, hành vi, thái độ được chia sẻ, đặc trưng cho các thành viên và ban lãnh đạo trong cách hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh. Nó không chỉ là nền tảng thể hiện ứng xử, thái độ của những người làm việc trong cùng một doanh nghiệp với nhau mà còn là bản sắc riêng thể hiện định hướng của cả doanh nghiệp.

“Bí mật” thành công của các thương hiệu nổi tiếng thế giới

Văn hóa doanh nghiệp đã chứng minh là một yếu tố không thể thiếu trong sự thành công của các công ty lớn trên thế giới như Google, Apple, Microsoft… Mỗi công ty có cách tiếp cận khác nhau đối với văn hóa doanh nghiệp, nhưng điểm chung là họ luôn tập trung vào nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu và tạo ra môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sáng tạo và hợp tác.

Chẳng hạn, gã khổng lồ công nghệ Google có văn hóa doanh nghiệp đặc trưng là sự tập trung vào khách hàng, tinh thần đoàn kết, cởi mở với ý tưởng mới và ứng dụng công nghệ tự động hóa để liên tục cải thiện, giúp tạo nên một môi trường sáng tạo và năng động, nơi nhân viên hợp tác để đạt được những mục tiêu chung.

Văn hóa doanh nghiệp của Apple cũng nhấn mạnh vào việc đặt khách hàng lên hàng đầu, thúc đẩy đổi mới bằng cách tích hợp sáng tạo và thiết kế vào sản phẩm, duy trì tinh thần khác biệt và xuất sắc, đồng thời đề cao sự đoàn kết để đối mặt với các thách thức.

Với Amazon, văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn công nghệ thương mại đa quốc gia nổi tiếng với sàn thương mại điện tử bán lẻ lớn nhất thế giới Amazon, xác định lấy khách hàng làm trung tâm, thúc đẩy tự động hóa để tối ưu hóa quy trình, thể hiện tinh thần kiên trì để đạt được thành công, và khuyến khích làm việc nhóm để đạt được các mục tiêu chung.

Một tập đoàn công nghệ nổi tiếng khác, Microsoft, cũng xây dựng cho mình một văn hóa doanh nghiệp tập trung vào đổi mới và liên tục cải thiện, đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu, tôn trọng sự đa dạng và cá nhân, đồng thời khuyến khích việc học hỏi từ kinh nghiệm và phản hồi để thúc đẩy sự phát triển.

Trong thế giới công nghệ đầy biến động và cạnh tranh hiện nay, Meta (trước đây là Facebook) đã nổi lên như một biểu tượng của sự đổi mới và kết nối. Phần lớn thành công này có thể được quy cho văn hóa doanh nghiệp độc đáo của họ, đặc biệt là tinh thần tự do và khả năng kết nối mà họ nuôi dưỡng. Văn hóa này không chỉ tạo động lực cho nhân viên, mà còn giúp Meta trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo các nhà làm văn hóa doanh nghiệp, yếu tố cốt lõi để giúp Meta trụ vững và phát triển với mạng xã hội Facebook có số lượng người dùng lớn nhất toàn cầu, đó chính là việc họ luôn xác định đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững

Tại các hội nghị Trung ương, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói đến vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, Nghị quyết số 06/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã nêu rõ: “Xây dựng văn hóa trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương”.

4-loai-hinh-van-hoa-doanh-nghiep-dac-trung-anh-1.jpg
Ảnh minh họa

Đặc biệt, Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng xác định nhiệm vụ: Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Nói như vậy để thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định song phương, đa phương…

Tại lễ phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 07/11/2016, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”. Theo Thủ tướng, “Đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình đã từng nói rất đúng: Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng”.

Tóm lại, văn hóa doanh nghiệp được coi là một trong các yếu tố bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của một quốc gia. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa ở thế kỷ 21. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng của phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO