Thương hiệu

Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế

Hương Lan 06/10/2024 06:49

Tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

img0411-17280053534742073682632.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024. Ảnh Nhật Bắc

Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, chúng ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Luỹ kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD…

Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

Tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo, "gỡ bỏ" các rào cản chính sách

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

photo-1655100874257-16551008746051303202757.jpg
Tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo, "gỡ bỏ" các rào cản chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa

Do đó, để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gợi mở một số định hướng và giải pháp như sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn. Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp; có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.

Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp: Cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp: Tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO