Sự kiện bình luận

Doanh nhân kiều bào: Cầu nối thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế

Nhật Minh 13/10/2024 18:44

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của quê hương. Với vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và các quốc gia sở tại, các doanh nhân kiều bào không chỉ thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm Việt Nam.

hai_4417.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã chia sẻ về những đóng góp quan trọng và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ta đối với cộng đồng doanh nhân kiều bào trước thềm kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2024).

Thưa bà, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư về nước trong thời gian qua?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Cộng đồng doanh nhân NVNONN đã và đang đóng góp rất tích cực vào quá trình phát triển kinh tế đất nước thông qua nhiều lĩnh vực.

Các doanh nhân kiều bào không chỉ giúp thu hút đầu tư vào Việt Nam mà còn trực tiếp về nước đầu tư. Tính lũy kế đến nay, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 385 dự án tại 42/63 tỉnh, thành phố Việt Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đăng ký trên 1,72 tỷ USD.

Cộng đồng doanh nhân kiều bào cũng đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ và tri thức. Họ mang về những công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế, đồng thời cũng tham gia vào quá trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Có thể kể đến Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào ở Canada, người đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh, như Tập đoàn Mỹ Lan, hay RYNAN Holdings JSC.

Bên cạnh đó, doanh nhân kiều bào đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu quốc gia. Thông qua các kênh phân phối hàng hóa của kiều bào, nhiều sản phẩm Việt Nam đã từng bước xâm nhập vào thị trường sở tại, xây dựng được thương hiệu. Với hiểu biết thị trường, văn hóa kinh doanh tại sở tại, các doanh nghiệp kiều bào còn giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh mô hình sản xuất, văn hóa kinh doanh để phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng sở tại. Tôi đã có dịp thăm một số địa bàn có cộng đồng người Việt Nam ta sinh sống. Có thể nói, ở đâu có doanh nghiệp kiều bào, ở đó có sản phẩm của Việt Nam. Tôi rất tự hào khi ở nhiều nơi, bà con đã xây dựng những chuỗi cửa hàng, siêu thị, thương hiệu uy tín như Tam Đa Food ở Séc, 88 ở Canada…

tta_5169-1-1.jpg
Các doanh nghiệp, tổ chức của kiều bào ký 10 Biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, truyền thông... trong khuôn khổ Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nhân NVNONN đã tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, từ việc khởi xướng các dự án xã hội đến hỗ trợ phát triển bền vững tại Việt Nam, tài trợ cho các hoạt động từ thiện và hỗ trợ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Gần đây nhất, chia sẻ với đồng bào ở các địa phương chịu hậu quả của bão Yagi, nhiều hội doanh nhân và cá nhân doanh nhân kiều bào đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Những đóng góp quan trọng này cho thấy cộng đồng doanh nhân kiều bào là một phần không tách rời của cộng đồng doanh nhân trong nước, cùng chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước theo hướng hiện đại, xanh và bền vững.

dsc_8626.jpg
Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp (Hải Phòng, tháng 12/2023).

Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về những đóng góp của kiều bào trong việc hỗ trợ đồng bào trong nước vượt qua thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 vừa qua?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã nhanh chóng xây dựng Kế hoạch và tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện triển khai vận động và hỗ trợ tiếp nhận các nguồn quyên góp, ủng hộ của cộng đồng NVNONN.

Tính đến ngày 27/9/2024, con số quyên góp được đã lên tới trên 40 tỷ đồng, trong đó số tiền đã được chuyển về trong nước là hơn 35 tỷ đồng thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc các địa phương. Các địa bàn ủng hộ nhiều nhất là Đức (hơn 5 tỷ), Hàn Quốc (1,5 tỷ đồng), Mỹ (hơn 5,1 tỷ), Nhật Bản (hơn 5 tỷ), Thái Lan (hơn 4,8 tỷ), Séc (3,3 tỷ), Úc (hơn 3 tỷ). Song song với các khoản tiền ủng hộ gửi về Ban Vận động cứu trợ Trung ương, cộng đồng tại nhiều địa bàn như Ba Lan, Đức, Úc… đã tổ chức các đoàn thiện nguyện đến từng vùng bị thiệt hại để cùng chung tay, chia sẻ với đồng bào trong nước khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Chúng tôi đã tổ chức trao tượng trưng tiền ủng hộ của kiều bào cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với tổng số tiền tính đến ngày 20/9/2024 là gần 20 tỷ đồng.

Hiện nay, các hoạt động quyên góp của kiều bào vẫn đang được triển khai khẩn trương, tích cực để góp phần chung tay với đồng bào trong nước cùng hỗ trợ đồng bào ở các vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống. Ủy ban sẽ tiếp tục tổng hợp, tổ chức trao các khoản ủng hộ của kiều bào cho MTTQ Việt Nam, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương để hỗ trợ kiều bào chuyển tiền ủng hộ trực tiếp đến với người dân chịu ảnh hưởng của bão lụt.

Theo bà, những khó khăn mà doanh nhân kiều bào thường gặp phải khi trở về đầu tư tại Việt Nam là gì, và giải pháp để khắc phục những khó khăn đó ra sao?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Mặc dù môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi nhưng doanh nhân kiều bào vẫn còn một số tâm tư, khó khăn nhất định và mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư về nước.

Thứ nhất, các quy định pháp luật, quy trình, thủ tục hành chính về kinh doanh của Việt Nam cần được tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa. Bên cạnh đó, sự khác biệt về môi trường kinh doanh và quan hệ đối tác tại Việt Nam cũng có thể là thách thức đối với doanh nhân kiều bào, do đó, cần có thêm các chương trình tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, giúp họ hiểu rõ hơn về văn hóa kinh doanh và các phương thức hợp tác trong nước. Cần có sự ưu đãi cụ thể đối với các doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ...

Đối với một số kiều bào trẻ khi về nước khởi nghiệp, hạn chế về tiếng Việt khiến việc tiếp cận với văn hóa kinh doanh và các thông tin liên quan về thủ tục pháp lý có độ trễ. Do vậy, bên cạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, Ủy ban đang tích cực triển khai việc dạy và học tiếng Việt cho các thanh, thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, dù có kinh nghiệm và nguồn lực tài chính, nhưng kiều bào lại thiếu kết nối mạnh mẽ với các đối tác, nhà cung cấp hoặc cơ quan chức năng tại Việt Nam. Để khắc phục điều này, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã và đang tổ chức nhiều sự kiện kết nối, diễn đàn kinh tế nhằm tạo điều kiện để doanh nhân kiều bào thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp và địa phương.

Thứ ba, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng, nhưng ở một số địa phương, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp lớn. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, viễn thông và công nghệ, đồng thời phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nhân kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh.

dsc_3174.jpg
Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ II, kết nối hợp tác địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Kyushu (Fukuoka, ngày 06/10/2023).

Vậy trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã có những chính sách, biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ doanh nhân kiều bào, thưa bà?

Trước hết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định thuận lợi liên quan đến đầu tư, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, và Luật Nhà ở, giúp kiều bào dễ dàng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Ủy ban NVNONN luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào để tham mưu, kiến nghị các chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để kiều bào về nước hợp tác, làm việc, kinh doanh.

Trong những năm qua, Ủy ban đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề như “Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” tại Hải Phòng cuối năm 2023, “Diễn đàn kinh doanh: Tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam - Canada trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” tháng 3/2024, các hội nghị về Luật Đất đai mới được sửa đổi bổ sung… Đây là những diễn đàn để kiều bào hiểu rõ hơn về các quy định của
Việt Nam và cơ hội kết nối cho doanh nhân Việt kiều với các đối tác trong nước, từ đó tăng cường hợp tác, hình thành các mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tri thức, cũng như hợp tác làm ăn.

Ủy ban cũng đặc biệt chú trọng đến các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho kiều bào, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị NVNONN toàn thế giới theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tháng 8 vừa qua, đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng trí thức, chuyên gia kiều bào cũng như cộng đồng doanh nhân đang tìm kiếm những cơ hội chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất để thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, bền vững.

Bên cạnh đó, Ủy ban còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến, đóng góp của kiều bào, tham mưu Chính phủ, Quốc hội các chính sách để phát huy tốt hơn nữa nguồn lực của NVNONN. Những chính sách và chương trình này không chỉ hỗ trợ doanh nhân kiều bào đóng góp vào các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, mà còn giúp tăng cường mối liên kết giữa kiều bào và quê hương, góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm và tình cảm dành cho kiều bào ta ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước cũng như toàn hệ thống chính trị sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu đề nghị của bà con và có những điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp, dần dần để bà con yên tâm về nước kinh doanh và đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực hơn cho quê hương, đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân kiều bào: Cầu nối thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO