Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong việc tạo nền móng chuyển đổi số, động lực quan trọng phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP
Chuyển đổi số, kinh tế số, nền tảng số, đổi mới sáng tạo... giờ đây không còn là khái niệm mới mẻ, xa lạ nữa mà đã trở thành xu hướng chủ đạo, thành mục tiêu và là nhiệm vụ căn bản đối với nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số.
Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030, và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
Đánh giá về vấn đề này tại Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” sáng ngày 30/9, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết: "Trong cuộc cách mạng công nghệ, phát triển số, tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động.
Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045." - ông Lê Trọng Minh cho hay.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: Tính tới thời điểm hiện nay, kinh tế số tiếp tục lan toả tới các ngành, lĩnh vực. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP. Trong đó, ngành ICT chiếm khoảng gần 60%, kinh tế số ngành/lĩnh vực chiếm hơn 40%.
Tuy nhiên, kinh tế số tại các ngành/lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và chúng ta sẽ có những mô hình kinh tế mới. Kỹ năng số của người dân cũng ngày càng tốt nên ứng dụng kinh tế số mới như các ứng dụng hợp đồng điện tử, họp trực tuyến… sẽ ngày càng tăng, làm tăng tỷ trọng của kinh tế số ngành/lĩnh vực, hay gọi là số hoá ngành kinh tế.
Hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam ở mức cao, khoảng 20%/năm, tương đương gấp 3 lần mức độ tăng trưởng GDP. Đặc biệt, với thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN. quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Sự hấp thụ của người Việt Nam đối với các lĩnh vực kinh tế số ngày càng tăng và trong Top 3 trong khu vực ASEAN về kinh tế số”, ông Tuấn cho biết.
Tạo môi trường sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới
Với kinh nghiệm 10 năm của Grab tại Việt Nam, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành, Grab Việt Nam chia sẻ, hiện Việt Nam đã có một môi trường khá thân thiện đối với các dịch vụ số. Chính phủ đã đặt số hóa là ưu tiên hàng đầu và doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi và chấp nhận nhanh chóng đối với các dịch vụ số trong những năm qua.
Đề xuất cho Việt Nam, theo đại diện Grap, trước hết, các cấp quản lý cần kiểm tra chính sách hoặc môi trường kiểu sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới khi chúng xuất hiện. Thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có.
Lý giải cho đề xuất này, đại diện Grap cho rằng, công nghệ tiến bộ và các dịch vụ số đổi ngày càng đổi mới và tiến lên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng luật pháp và quy định phù hợp với thời đại. Đồng thời, trong quá trình số hóa, khi gặp những vấn đề va thách thức, chính phủ cần đồng hành với doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp đổi mới để vượt qua.
Nhận định chuyển đổi số, kinh tế số, thị trường số, đặc biệt là sự phát triển của AI tại Việt Nam sẽ phát triển như “vũ bão” trong vài năm tới. Ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng Thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, với sự phát triển đó, Việt Nam cần có nền tảng số, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số, trong đó cần chú trọng đến đào tạo, giáo dục và người dùng cuối.
"Để triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số trong giai đoạn mới cần sự tham gia của tất cả các bên. Trong đó, người tiêu dùng cuối cần có sự đào tạo. Và, đơn vị cung cấp giải pháp-hạ tầng cần đưa ra các giải pháp thân thiện với người dùng. Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các nghị định thông tư, hướng dẫn cụ thể và phù hợp," ông Hoàng Viết Tiến nói.
Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các chuyên gia tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tận dụng tối đa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.