Với những nỗ lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam, mới đây nhiều trang thông tin trong khu vực ASEAN đã đưa ra đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN. (Ảnh minh hoạ)
Trong bài viết "Nhận định nền kinh tế số ASEAN" của các chuyên gia của ngân hàng HSBC, nền kinh tế số ASEAN đang bước vào một giai đoạn tươi sáng mới, trong đó Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện nay, Đông Nam Á đang là một trong những khu vực mà kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm 2023. Dự kiến quy mô nền kinh tế số tại khu vực sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng kép là 16%/năm.
Theo một nghiên cứu của Google đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023), vượt gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.
Với lực lượng lao động thuần thục về số hóa, đang trên đà tăng trưởng và sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử, ASEAN có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong đó, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN.
Khảo sát của HSBC tới 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết, dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ từ lãnh đạo HSBC, tại ASEAN cũng nhận định, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này đến năm 2025. Kinh tế số Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trực tuyến. Với dự báo số người dùng điện thoại thông minh đạt 67,3 triệu vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành công nghiệp số và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành.
Kỳ vọng kinh tế số Việt Nam có thể đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2025. (Ảnh minh hoạ)
Trang The Star dẫn Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số Đông Nam Á lần thứ tám do Google, Temasek và Bain&Co thực hiện cho thấy, Việt Nam vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm thứ hai liên tiếp và dự kiến sẽ giữ vị trí này đến năm 2025. Việt Nam cũng là quốc gia áp dụng thanh toán kỹ thuật số có sự phát triển nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến là 13% từ năm 2023 đến năm 2025.
Tờ Strait Times nhận định, chìa khóa tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam nằm ở lực lượng lao động cần cù, 49,5% trong số đó ở độ tuổi từ 15-39. Những thanh niên có khả năng thích ứng cao, ham học hỏi và nhiệt huyết để thành công chính là động lực bí mật của nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN của Ngân hàng HSBC Yun Liu cho rằng: “Tiềm năng về kinh tế số thực sự của Việt Nam là do dân số trẻ và đó là lợi thế của Việt Nam. Mặt khác đó là lợi thế về khả năng nhận thức, mức độ nhanh nhạy của người dân Việt Nam với các loại hình công nghệ mới.”
Có thể thấy, kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh và đạt được những thành quả tích cực. Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25% và tổng doanh thu lĩnh vực này đạt 40 tỷ USD, từ đó tạo đà cho các mục tiêu chiến lược năm 2025 đề ra trong Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng tốt hiện nay, kinh tế số Việt Nam có thể đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.