Vấn đề quan tâm

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo

Nguyên Bình 13/12/2024 14:36

Chiều 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Các dự án chủ động giải quyết theo thẩm quyền

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc xử lý: Các dự án cần được giải quyết chủ động theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý. Các sai phạm cần bóc tách, xử lý nghiêm trách nhiệm, không hợp thức hóa sai phạm nhưng đồng thời có giải pháp, cơ chế để giải quyết phù hợp.

z6124924586771_11e7df9a0eebfd0dfe3b7033acf2cd58.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo..

Mục tiêu là tránh lãng phí nguồn lực, tăng cường nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các nghị quyết đã ban hành cần được tổ chức thực hiện ngay một cách khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả, hướng đến phát huy tiềm năng của các dự án.

Thủ tướng yêu cầu quá trình giải quyết phải tối ưu hóa phương án xử lý, hạn chế tối đa các tranh chấp, khiếu kiện và bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh. Xử lý hình sự chỉ được coi là giải pháp cuối cùng, nhằm tháo gỡ vướng mắc một cách hợp lý.

Nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, trường hợp không gây hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự. Việc tháo gỡ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo không tạo thêm sai phạm mới, không để xảy ra tiêu cực hay hệ lụy xấu, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, yêu cầu các cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc một cách minh bạch, công khai, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/1/2025. Các dự án đã bị khởi tố chỉ được xử lý, khắc phục vi phạm sau khi có bản án có hiệu lực.

Ông cũng nghiêm cấm mọi hành vi tiêu cực như tham nhũng, lợi ích nhóm hay chạy chọt, đồng thời cảnh báo rằng những hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát kỹ các vướng mắc trong các dự án năng lượng tái tạo, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể; đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và các kế hoạch liên quan.

Các chủ đầu tư phải chủ động khắc phục vi phạm, thiếu sót và thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành theo quy định. Đồng thời, họ cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để giải quyết các khó khăn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tập trung khắc phục các tồn tại, vi phạm đã được kết luận và phân loại rõ các vấn đề. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, EVN cần báo cáo cụ thể và hỗ trợ các dự án hoàn thiện thủ tục mua bán điện một cách thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề xuất sáu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án năng lượng tái tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Vì vậy Bộ đưa ra 6 giải pháp tháo gỡ, xử lý khó khăn cho các dự án, bao gồm:

Cho phép bổ sung quy hoạch: Các dự án chưa được đưa vào quy hoạch sẽ được xem xét bổ sung để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Khắc phục sai phạm thủ tục: Những dự án sai phạm về thủ tục cần được các chủ đầu tư chủ động khắc phục để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Điều chỉnh quy hoạch: Quy hoạch hiện hành sẽ được rà soát và điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cho các dự án năng lượng tái tạo triển khai hiệu quả.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng: Các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết nhanh chóng các vướng mắc cụ thể.

Đảm bảo minh bạch và tuân thủ pháp luật: Quá trình xử lý phải công khai, minh bạch, tránh tiêu cực và lợi ích nhóm.

Hỗ trợ chủ đầu tư: Các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn và hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục để đảm bảo các dự án sớm đi vào vận hành.

Theo thống kê, quy mô các dự án đã đầu tư sơ bộ lên tới 308.409 tỉ đồng, tương đương khoảng 13 tỉ USD, chiếm tỉ trọng công suất gần 13% và chiếm tỉ trọng sản lượng điện khoảng 6,06% của toàn hệ thống điện.

Vì vậy, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng không chỉ gây lãng phí, mà còn có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO