Thời gian qua, Hải Phòng liên tục nằm trong top đầu các địa phương trên cả nước dẫn đầu về thu hút đầu tư. Đặc biệt, giữa áp lực cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước, Hải Phòng vẫn là “miền đất hứa” nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ sự phát triển mạnh mẽ.
Theo thông tin từ UBND TP. Hải Phòng, đến nay, thành phố thu hút 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn là 32,2 tỷ USD, chiếm 7% vốn FDI toàn quốc. Dự kiến, năm 2024, thu hút vốn FDI của Hải Phòng sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD. Đây là những con số biết nói trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Thành phố Cảng.
TP. Hải Phòng hiện là điểm “đóng quân” của nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn LG, Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone, Nhật Bản với tổng vốn trên 1,2 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle, Hong Kong (Trung Quốc) với tổng vốn trên 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron, Đài Loan (Trung Quốc) với tổng vốn trên 800 triệu USD; Tập đoàn SK, Hàn Quốc với tổng vốn trên 500 triệu USD…
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Những năm qua, TP. Hải Phòng đã đạt con số tăng trưởng ấn tượng về thu hút FDI, luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký đầu tư và có xu hướng ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của TP. Hải Phòng”.
Đặc biệt, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hóa. Theo định hướng này, TP. Hải Phòng tập trung phát triển ba trụ cột nền kinh tế gồm: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại, tập trung thực hiện chiến lược thu hút dòng FDI thế hệ mới, thu hút đầu tư có chọn lọc và chủ động sàng lọc để lựa chọn các dự án và nhà đầu tư chất lượng cao.
Trong đó, thu hút vốn FDI theo định hướng: Chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng. TP. Hải Phòng cũng khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển khu công nghiệp bền vững.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong những năm qua, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn, trực tiếp xúc tiến đầu tư cả tại chỗ và nước ngoài. Chỉ trong năm 2024, đoàn cán bộ xúc tiến đầu tư của thành phố đã kết nối thành công các cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hay mới đây, đoàn công tác của UBND TP. Hải Phòng đã có buổi làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp Canada-ASEAN (CABC). Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng đã ký kết Ý định thư với CABC.Thỏa thuận này mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai bên trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; đồng thời thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các chuyến công tác xúc tiến đầu tư, gặp gỡ từng nhà đầu tư nước ngoài của lãnh đạo TP. Hải Phòng đã mang lại thành công vượt trội. Nhiều biên bản hợp tác ghi nhớ giữa hai bên được ký kết, những dự án “tỷ đô” được triển khai gần như ngay lập tức. Cùng với đó, hàng loạt dự án tăng vốn, đầu tư mở rộng, nâng công suất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng cũng được triển khai”.
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, giai đoạn 2019-2023, thu hút FDI của TP. Hải Phòng đạt khoảng 13,2 tỷ USD, gấp 1,7 lần giai đoạn 2014-2018. Lũy kế đến nay, TP. Hải Phòng có gần 1.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ USD.
Để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, ngoài lợi thế về hệ thống giao thông, cảng biển, TP. Hải Phòng xác định tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Song song với việc thu hút đầu tư, Hải Phòng cũng chú trọng phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững. Chương trình phát triển đô thị TP. Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa từ 74-76% trong năm 2030 cho thấy sự quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mới đây đã ký ban hành Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP. Hải Phòng giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Nghị quyết điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên phường Đông Hải 1 (quận Hải An) để nhập vào xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên và chính thức thành lập TP. Thủy Nguyên. Như vậy, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên ở miền Bắc có thành phố trực thuộc thành phố.
Việc Thủy Nguyên trở thành thành phố đã trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư lớn. Thủy Nguyên nằm tại vị trí có phía Đông và phía Bắc giáp Quảng Ninh, phía Tây giáp Hải Dương, phía Nam giáp các quận nội thành Hải Phòng, có mạng lưới giao thông liên kết thuận lợi đến các tỉnh và thành phố xung quanh. Trong tương lai, TP. Thủy Nguyên sẽ trở thành trung tâm hành chính mới và đóng vai trò quan trọng về kinh tế, văn hóa và dịch vụ trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành một đô thị thông minh, sinh thái, và bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng - ông Lê Anh Quân, quan điểm nhất quán của Hải Phòng là luôn tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc tới đầu tư với phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của TP. Hải Phòng”.