Nhân vật

Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam kiến nghị nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp

Đông Nghi 12/10/2024 07:35

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế phát triển, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã kiến nghị một số nhóm khó khăn, thách thức chủ yếu với khu vực kinh tế tư nhân, cũng như các giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

z5919236094748_9f17996299b9e3c78466e34ae18aabf1-2-1-.jpg
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA).

Tại cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại biểu các doanh nhân tiêu biểu, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) khẳng định: Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển qua các giai đoạn, đặc biệt khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo.

Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đóg góp 60% GDP, tạo 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện một số tập đoàn lớn có tiềm lực mạnh, trình độ công nghệ và năng lực quản trị tiên tiến, có thương hiệu quốc gia và uy tín quốc tế, dũng cảm vươn ra cùng thế giới.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều thẳng thắn thừa nhận, khu vực kinh tế tư nhân cũng còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển. Đó là những khó khăn, thách thức gay gắt do tác động tiêu cực, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch VPBA đã kiến nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một số nhóm khó khăn, thách thức chủ yếu với khu vực kinh tế tư nhân, cũng như các giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Cụ thể về vấn đề nguồn vốn, đại diện VPBA cho rằng doanh nghiệp phải nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, thông qua các kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, vốn vay nước ngoài.

Theo đó, doanh nghiệp cần minh bạch hóa và nâng cao năng lực quản lý vốn, tránh đầu tư dàn trải thiếu kiểm soát, tránh chạy đua đầu tư trái tay vào những tài sản hoặc thương vụ rủi ro cao.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nhân mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của thị trường chứng khoán, thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu để cân bằng giữa sự bền vững của thị trường và nhu cầu vốn thiết thực của doanh nghiệp.

106d3221143t4024l3-2.jpg
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thể của mình trên thị trường thế giới. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo và năng lực làm chủ công nghệ lõi, nhất là các công nghệ mới, công nghệ đột phá. Doanh nghiệp cần phân bổ tỷ trọng đầu tư tương xứng cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ công nghệ. Đồng thời, các doanh nhân là người làm chủ doanh nghiệp cũng phải liên tục học hỏi để trở thành những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo và nắm bắt công nghệ.

Cùng với những nỗ lực đổi mới từ doanh nghiệp, doanh nhân kỳ vọng Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa trong việc cho phép thử nghiệm có giới hạn (sandbox) các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo đột phá; đồng thời xem xét các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp dấn thân thử nghiệm các giải pháp, mô hình sáng tạo đột phá này.

Ngoài ra, trong các đàm phán với các doanh nghiệp FDI trọng yếu đầu tư vào Việt Nam, nên xem xét bổ sung các yêu cầu về tỷ trọng người Việt Nam nắm giữ các vị trí then chốt trong doanh nghiệp, hoặc yêu cầu để doanh nghiệp trong nước được tham gia góp vốn vào liên doanh FDI.

Đối với vấn đề năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và tầm nhìn phát triển bền vững, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, trước hết không thể đòi hỏi ai khác ngoài bản thân các doanh nhân phải nâng mình lên, phải học hỏi và nghiên cứu sâu sắc các mô hình và chuẩn mực quản trị tiên tiến, nuôi dưỡng khát vọng, tầm nhìn và sứ mệnh để không tự ti, cũng không tự mãn với những thành quả bước đầu.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho những trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực mà một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở nước ta đã và đang dũng cảm, tiên phong đầu tư, phát triển.

Ngoài ra, thời gian qua dù đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhưng đâu đó tình trạng thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà; nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo.

Do đó, cộng đồng doanh nhân đề nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế cần tiếp tục được đẩy nhanh một cách quyết liệt và khoa học để kiến tạo môi trường pháp lý, công vụ và môi trường kinh doanh hướng đến mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích mọi công dân, doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam kiến nghị nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO