Nghị quyết 68-NQ/TW xác lập kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời đề ra những cải cách thể chế chưa từng có tiền lệ – từ bảo vệ quyền sở hữu, tự do kinh doanh đến xử lý pháp lý – nhằm “cởi trói” và củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.
Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, đặc biệt là 7 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW (2017), kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò không thể thay thế. Tuy vậy, theo đánh giá tại Hội nghị toàn quốc ngày 18/5, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, khu vực KTTN vẫn chưa phát triển đúng tầm, còn đối mặt với hàng loạt rào cản từ thể chế, môi trường đầu tư, đến tâm lý chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị – khi trình bày chuyên đề này tại Hội nghị đã nhấn mạnh: "Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra mục tiêu chiến lược đến năm 2035, phát triển khu vực KTTN thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng góp trên 55% GDP, có năng lực cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu."
Một điểm đặc biệt của Nghị quyết 68 là đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần “đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ” – trong đó cải cách thể chế được đặt lên hàng đầu như một điểm nhấn mang tính nền tảng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhóm nhiệm vụ đầu tiên – “hoàn thiện thể chế, chính sách, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tài sản và cạnh tranh bình đẳng” – được xem là then chốt nhất để tháo gỡ tình trạng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Trong đó, tư duy “quản không được thì cấm”, cơ chế “xin – cho”, tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các bộ ngành và địa phương sẽ bị loại bỏ bằng cải cách pháp luật đồng bộ và thực thi minh bạch.
Đặc biệt, Nghị quyết xác lập một nguyên tắc pháp lý mới: phân định rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự; giữa cá nhân và pháp nhân; và đảm bảo xử lý ưu tiên theo hướng dân sự – kinh tế – hành chính trước khi xem xét đến xử lý hình sự. Nguyên tắc này nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ có tác dụng trực tiếp làm giảm tâm lý e ngại, phòng thủ, "thủ thế" của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Một thông điệp quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị là: "Không hồi tố pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và phân biệt tài sản hợp pháp với tài sản vi phạm."
Thông điệp này không chỉ xoa dịu nỗi lo của giới doanh nghiệp về những rủi ro pháp lý bất định, mà còn khẳng định cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một môi trường pháp lý ổn định, an toàn, công bằng, nơi quyền tài sản được bảo vệ hữu hiệu và quyền tự do kinh doanh không bị xâm phạm tuỳ tiện.
Bên cạnh đó, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhà nước cũng được đặt ra để giảm chi phí, thời gian, và ngăn ngừa nguy cơ “tham nhũng vặt”.
Bên cạnh mục tiêu chung về tăng tỷ trọng đóng góp GDP, Nghị quyết 68 còn đặt trọng tâm vào việc xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có khả năng dẫn dắt ngành, làm chủ công nghệ, chuỗi cung ứng và có trách nhiệm xã hội cao.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ không chỉ đóng vai trò là “người làm thuê cải tiến”, mà phải vươn lên làm chủ cuộc chơi – đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế xanh. Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua chính sách tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường vốn và kết nối chuỗi giá trị trong nước – quốc tế.
Ngoài ra, phát triển KTTN ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa cũng được chú trọng với yêu cầu khuyến khích địa phương tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cải thiện hạ tầng và khuyến khích khởi nghiệp địa phương.
Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ là một văn kiện định hướng phát triển, mà còn là tuyên ngôn cải cách thể chế toàn diện nhằm khai thông mọi điểm nghẽn lớn nhất cho kinh tế tư nhân. Tinh thần xuyên suốt là: thể chế không còn là “vòng kim cô”, mà trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển thực chất, có đóng góp lớn và bền vững cho quốc gia.
Để biến Nghị quyết thành hành động, yêu cầu cấp thiết là sự chuyển động đồng bộ của các cấp chính quyền, cơ quan tư pháp và đội ngũ công chức, đồng thời cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng cần trưởng thành, chuyên nghiệp và liêm chính hơn, sẵn sàng đi cùng đất nước trên chặng đường phát triển mới.
Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới công tác pháp luật
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Trình bày chuyên đề tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nghị quyết 68 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm gỡ bỏ các rào cản lớn nhất đối với phát triển KTTN. Nổi bật là yêu cầu hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng.
Tinh thần cải cách xuyên suốt là xoá bỏ cơ chế “xin – cho”, tư duy “không quản được thì cấm”, khắc phục mâu thuẫn pháp lý và phân định rõ ràng giữa xử lý hình sự, hành chính, dân sự. Nhà nước cam kết không hồi tố bất lợi, bảo vệ tài sản hợp pháp, ưu tiên xử lý dân sự – kinh tế trước khi xem xét hình sự.
Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng, đóng góp trên 55% GDP vào năm 2035, với đội ngũ doanh nghiệp mạnh, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.