Theo các chuyên gia, việc sớm đưa Luật nhà ở 2023 vào cuộc sống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ cho người dân, doanh nghiệp và xã hội mà còn là “cú huých” rất quan trọng cho nền kinh tế trong năm 2024.
Tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi”.
Để tiếp tục gỡ khó và phát triển nhà ở xã hội, ngày 27/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025 với những điểm mới như: Xây dựng và vận hành nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cho thuê mua, cho thuê; Không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư; Bỏ quy định về việc người mua, thuê mua nhà ở xã hội (NOXH) phải đáp ứng điều kiện cư trú; căn hộ chung cư mini được cấp Sổ hồng, nới lỏng điều kiện mua, thuê mua NOXH...
Tuy nhiên, để sớm đưa những chính sách tốt đẹp về nhà ở nói chung và NOXH nói riêng đi vào cuộc sống, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn, có thể là từ tháng 7/2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh nhà ở (sửa đổi).
Theo các chuyên gia, những quy định mới của Luật là cú huých rất quan trọng không chỉ với chủ đầu tư, người dân, các đối tượng thuê nhà mà còn là cú huých cho cả thị trường bất động sản. Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước… là những tỉnh, thành phố rất tích cực trong việc quy hoạch để dành quỹ đất phát triển NOXH, nhà ở công nhân.
Chia sẻ về vấn đề này, tại tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi” mới đây, Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển NOXH, đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành quỹ đất cho phát triển loại hình nhà ở này.
Trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
Còn theo Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển NOXH theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.
Ngoài ra, các địa phương còn phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng NOXH; dành ngân sách để xây dựng dự án đầu tư NOXH; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng NOXH…
Một khu nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa
Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tác động sâu rộng nhất đến đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách về NOXH. Theo đó, Luật đã mở rộng, bổ sung thêm 3 đối tượng được thụ hưởng chính sách về NOXH, trong đó đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực thường xuyên bị thiên tai ở vùng nông thôn có thể được mua, thuê mua NOXH. “Quy định như vậy sẽ tác động đến nguồn cầu NOXH, từ đó tác động đến nguồn cung” - ông Hà Quang Hưng nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, với các quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), gần như sẽ đảm bảo quỹ đất để phát triển NOXH. Theo ông Phan Đức Hiếu, những quy định phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Luật sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân. Đồng thời mong muốn nghị định sớm được ban hành và có hiệu lực trước ngày 1.7, có nội dung đáp ứng kỳ vọng nguyện vọng của doanh nghiệp, xã hội, và đặc biệt là của những đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn cung nhà ở xã hội, theo bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khuyến nghị: khi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn phải rất chi tiết để chính sách đã được Quốc hội thông qua đi vào thực tiễn, thông suốt; tránh tạo những rào cản trong quá trình thực thi khiến mục tiêu không đạt được như kỳ vọng.
Còn đại diện phía doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, Luật Nhà ở năm 2023 “rất tiến bộ, rất chất lượng, rất tốt”. Luật không chỉ lan tỏa với những người làm chính sách, mà còn lan tỏa đến những người thực hiện chính sách, đến người dân. Luật đã tác động đến doanh nghiệp. “Luật lần này làm cho doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào NOXH”.
Ông Tuấn kỳ vọng thời hạn hiệu lực của Luật sẽ được đẩy lên sớm trước 6 tháng cùng với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sớm đưa Luật vào cuộc sống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ cho người dân, doanh nghiệp và xã hội mà còn là “cú huých” rất quan trọng cho nền kinh tế trong năm 2024 này.
Để sớm đưa luật nhà ở đi vào cuộc sống, ông Lê Cao Tuấn, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển Hạ tầng, nguyên Phó Trưởng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản nhấn mạnh, điều quan trọng vẫn là sự phù hợp giữa chính sách với thực tiễn, giữa quy định pháp luật với diễn biến thị trường. Ông Tuấn hy vọng, với những điều chỉnh tích cực, các nhà đầu tư sẽ yên tâm đầu tư vào nhà ở xã hội cũng như hình thành phân khúc riêng về NOXH, mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc.