Trước diễn biến thời tiết nắng nóng trên toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc đạt mức kỷ lục khi có những ngày gần chạm mốc 1 tỉ kWh.
Thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. (Ảnh minh hoạ)
Nguyên nhân của việc tiêu thụ điện tăng mạnh này có xuất phát từ thời tiết, cụ thể, trong những ngày cuối tháng 4/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục.
Riêng đối với khu vực miền Bắc, đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên diễn ra nên tiêu thụ điện miền Bắc mặc dù có tăng cao so với trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ. Tuy nhiên, trước tình hình tiêu thụ điện ở miền Bắc chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tuần trước tiêu thụ điện trung bình mỗi ngày đạt sản lượng gần 947 triệu kWh, cao hơn tuần trước đó khoảng 65,4 triệu kWh. Đối với khu vực miền Bắc, lượng điện tiêu thụ bình quân tuần qua tăng hơn 31,7 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó.
Trong tuần, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ ngày (A ngày) đã được thiết lập. Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung 8,5%, miền Nam 11,7%.
So với cùng kỳ năm 2023, có những ngày như 26/4, sản lượng ngày của hệ thống điện quốc gia tăng 23,1%, sản lượng điện hệ thống điện miền Bắc tăng 35,5%; ngày 27/4, công suất cực đại hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%, công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc tăng 19,9%.
Mặc dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao nhưng với sự theo dõi chỉ đạo sát sao, công tác chuẩn bị từ trước đó và vận hành linh hoạt nên tình hình cung ứng điện tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.
Cần điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên toàn quốc. (Ảnh minh hoạ)
Để đảm bảo nguồn điện phục vụ cho nhu cầu của người dân, các cơ quan điều tiết đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để giữ mực nước hồ tối đa, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm, đảm bảo cung cấp điện năm 2024. Sản lượng khai thác trung bình ngày trong tuần đạt khoảng 174,6 tr.kWh
Bên cạnh đó, đối với nguồn nhiệt điện than, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 556,9 tr.kWh (cao hơn 36,1 tr.kWh so với kế hoạch tháng 4). Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than. Tuy nhiên tổng sản lượng thiếu hụt do sự cố và suy giảm công suất trong tuần lần lượt là 318,25 tr.kWh và 95,98 tr.kWh.
Nguồn nhiệt điện khí huy động trung bình ngày khoảng 91,1 tr.kWh (cao hơn 13,1 tr.kWh so với kế hoạch tháng 4). Trong tuần 17, đã phải huy động các tổ máy Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 4, BOT Phú Mỹ 3 sử dụng khí LNG để tăng khả dụng nguồn và hỗ trợ tiết kiệm thủy điện miền Bắc khi phụ tải tăng cao do nắng nóng dịp cuối tuần.
Nguồn năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống với sản lượng trung bình ngày khoảng 105,5 tr.kWh, trong đó nguồn gió là 13,9 tr.kWh.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới, nắng nóng có thể giảm về chiều tối, ở nhiều nơi xuất hiện mưa, giông... công suất cực đại và nhu cầu sử dụng điện có thể giảm song không được chủ quan, vẫn cần theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt và tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.