Sự kiện

Nghị quyết 66-NQ/TW: Cởi trói thể chế, mở đường cho doanh nghiệp phát triển

Mai Thoa 19/05/2025 13:45

Sáng 18/5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 66 là “đổi mới tư duy xây dựng và thi hành pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân”.

Mặt trận Tổ quốc tích cực tham gia giám sát thi hành pháp luật
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Pháp luật - Bệ đỡ phát triển kinh tế

Với cộng đồng doanh nghiệp, một trong những điểm đột phá được kỳ vọng từ Nghị quyết 66 là thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng chính sách pháp luật. Theo đó, luật pháp không còn được xem là công cụ quản lý đơn thuần, mà trở thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia, một nhân tố thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định.

Nghị quyết yêu cầu từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” – một rào cản khiến nhiều doanh nghiệp sáng tạo phải loay hoay trong những vướng mắc về pháp lý. Thay vào đó, định hướng mới là khuyến khích đổi mới sáng tạo, tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, Nghị quyết 66 đặt trọng tâm vào việc giảm mạnh điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững.

Một điểm được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là việc Nghị quyết xác định rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Theo tinh thần Nghị quyết, người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm – một nguyên tắc pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong thực tế.

Cùng với đó, Nghị quyết yêu cầu phải bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống thể chế.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, với yêu cầu rõ ràng: tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao – những yếu tố sống còn để doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

doanh-nghiep-ctqh.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Thủ tướng Chính phủ tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân".

Tín hiệu tích cực từ thể chế

Một thông điệp mạnh mẽ được Nghị quyết 66 đưa ra là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế. Điều này được xem là bước tiến đáng kể trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, giúp môi trường kinh doanh ổn định, giảm thiểu rủi ro pháp lý, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm dễ bị tổn thương nhất trong quá trình tuân thủ pháp luật.

Nghị quyết cũng yêu cầu phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội và người dân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong truyền thông chính sách, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin pháp lý của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, để tinh thần Nghị quyết đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành phải khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, kiên quyết không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, hay “nói mà không làm”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.

Với cộng đồng doanh nghiệp, điều được kỳ vọng lớn nhất từ Nghị quyết 66 không chỉ nằm ở lời nói hay văn bản, mà chính là chuyển động thực chất trong hành động của các cơ quan quản lý, hướng tới một hệ thống pháp luật thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp – minh bạch, công bằng, ổn định và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 66-NQ/TW: Cởi trói thể chế, mở đường cho doanh nghiệp phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO