Chính sách

Nghiên cứu chuyển 1.034 người dân về Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi sau sáp nhập

PV 21/05/2025 16:31

UBND tỉnh Kon Tum đề xuất chuyển 187 hộ với 1.034 nhân khẩu ở Quảng Nam đã đến sinh sống và canh tác ổn định tại Kon Tum về TP. Đà Nẵng hoặc tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 4362/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình xử lý thông tin báo chí phản ánh về vấn đề chuyển 1.034 người dân về TP. Đà Nẵng hoặc tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập.

kontumdd-17476508065921956118377.jpg
Trong nhiều năm qua, có 187 hộ dân với 1.034 nhân khẩu thuộc thôn 3, xã Trà Vinh đã đến sinh sống và canh tác ổn định tại xã Đăk Nên. Ảnh: VGP

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong nhiều năm qua, có 187 hộ dân với 1.034 nhân khẩu thuộc thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã đến sinh sống và canh tác ổn định tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum.

Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất giữa các ngành chức năng và chính quyền hai tỉnh về phương án giải quyết việc chồng lấn địa giới hành chính nên các địa phương không thể triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực này.

Sau khi có đề án sáp nhập các tỉnh (Quảng Nam sáp nhập với Đà Nẵng, Kon Tum sáp nhập với Quảng Ngãi), UBND tỉnh Kon Tum đề xuất phương án chuyển 187 hộ với 1.034 nhân khẩu trên về sinh sống và đăng ký cư trú tại TP. Đà Nẵng (sau sáp nhập); hoặc chuyển số người dân này về nhập khẩu tại tỉnh Quảng Ngãi (sau sáp nhập).

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh, kịp thời đề xuất Chính phủ xem xét trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại Công văn số 1792 ngày 26/4/2025, Bộ Nội vụ hướng dẫn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam phân định địa giới hành chính tại khu vực giáp ranh xã Trà Vinh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và xã Đắk Nên thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, đường địa giới hành chính giữa hai tỉnh tại khu vực này đã được xác định tại Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính lập theo Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam phối hợp ký xác nhận pháp lý và hoàn thiện hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp có liên quan tại khu vực này, bảo đảm thống nhất với Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính lập theo Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu chuyển 1.034 người dân về Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi sau sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO