Trách nhiệm xã hội

Những doanh nhân Việt chọn giáo dục là sứ mệnh, đặt giá trị trên lợi nhuận

TH 21/11/2024 16:38

Nhiều tỷ phú, doanh nhân tâm huyết với công cuộc “trồng người” đã thổi một làn gió mới vào hệ thống giáo dục Việt Nam, mang đến những sự lựa chọn học tập đa dạng và chất lượng cao. Từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền giáo dục nước nhà.

Ông Trương Gia Bình và Tổ chức giáo dục FPT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FPT từng có nhiều năm gắn bó với con đường học thuật trước khi dấn thân vào thương trường.

Sở hữu tấm bằng Tiến sĩ Toán – Lý danh giá của Đại học Moskva (Nga), ông Trương Gia Bình bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một cán bộ nghiên cứu tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1991, ông được phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư.

truong-gia-binh-1720412730381.jpeg
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.

Đến năm 1988, ông chuyển hướng sang kinh doanh. Ông Bình đã cùng các kỹ sư và nhà khoa học khác sáng lập Công ty Công nghệ Thực phẩm, khởi nguồn cho sự ra đời của Tập đoàn FPT - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay

Dù đã chuyển hướng nhưng Chủ tịch Trương Gia Bình vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục. Ông là người góp công lớn trong việc thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội) vào năm 1995, biến nơi đây trở thành một trong những địa chỉ đào tạo MBA có tiếng tại Việt Nam.

Không những vậy, năm 2006, doanh nghiệp của Chủ tịch Trương Gia Bình đã mở trường Đại học FPT - trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam do ông nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT.

Vị doanh nhân sinh năm 1956 cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy một số môn học như: Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp...

Hiện FPT có cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; cao đẳng, đại học đến sau đại học; liên kết quốc tế, phát triển sinh viên quốc tế...

Ông Phạm Nhật Vượng và hệ thống Vinschool, VinUni

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vingroup không chỉ được biết đến với tư cách là người giàu nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng với tâm huyết dành cho nền giáo dục nước nhà.

1-ong-pnv.png
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vingroup.

Năm 2013, ông Vượng cùng Tập đoàn Vingroup cho ra mắt thương hiệu Vinschool, hệ thống giáo dục liên cấp từ bậc mầm non đến Trung học phổ thông, hoạt động phi lợi nhuận, với tầm nhìn xây dựng một ngôi trường Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế. Vinschool hiện đã trở thành hệ thống giáo dục tư thục lớn nhất Việt Nam với 54 cơ sở trên phạm vi cả nước và gần 48.000 học sinh.

Vinschool là đơn vị tiên phong trong quá trình đổi mới chương trình, triết lý giáo dục tại Việt Nam. Đây là đơn vị được Bộ Giáo dục cấp phép thực hiện chương trình tích hợp đổi mới theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP và cũng là ngôi trường duy nhất có hai lần được Bộ Giáo dục cấp bằng khen về đổi mới giáo dục.

Sau thành công với mô hình giáo dục phổ thông liên cấp, năm 2018, Tập đoàn này tiếp tục tham gia lĩnh vực giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni. Đây là trường đại học tư thục phi lợi nhuận của Việt Nam được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, toàn bộ 100% lợi nhuận thu được dành cho các hoạt động tái đầu tư để liên tục nâng cấp, phát triển hệ thống nhằm bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc phát triển đất nước. Ngôi trường này còn sẵn sàng cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho các sinh viên nghèo tài năng với tuyên bố “đây không phải là đại học của người giàu mà là của người tài”.

Bà Thái Hương và hệ thống TH School

Từ một “nữ tướng” trong ngành tài chính ngân hàng đến người tiên phong trong cuộc cách mạng làm sữa tươi, sữa sạch, bà Thái Hương, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn TH cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực giáo dục. TH School, ra đời ngày 15/2/2017, là trường quốc tế đầu tiên do người Việt sáng lập. Đây cũng là TH School ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam lan tỏa mô hình Hạnh phúc nổi tiếng ở Harvard.

3-3606.jpg
Bà Thái Hương - Chủ tịch Hệ thống TH School.

Cơ sở TH School đầu tiên được xây dựng trên diện tích gần 20.000 m2 tại phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội, với quy mô đào tạo 2.000 học sinh. Bắt đầu tuyển sinh, đi vào hoạt động trong niên khóa 2017 – 2018, TH School xây dựng theo mô hình liên thông từ hai tuổi đến hết phổ thông trung học.

Năm 2019, trường khai giảng cơ sở thứ 2 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích gần 50.000 m2, với quy mô đào tạo là 3.000 học sinh. Giai đoạn 2020 – 2021, kế hoạch mở rộng của TH School bị gián đoạn do những tác động của dịch Covid-19. Phải đến năm 2022, hệ thống mới khai giảng cơ sở thứ 3 tại TP Vinh, Nghệ An.

Ngoài những thay đổi căn bản về cách dạy, cách học, TH School còn đưa ra cách tiếp cận mới về nâng cao thể chất, tức là phải đưa dinh dưỡng học đường vào trường học, ngay ở lứa tuổi mầm non. Theo đó, để đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện cả trí lực lẫn thể lực, TH School của bà Thái Hương đưa Giáo dục dinh dưỡng vào chương trình chính thức với hệ thống phòng Công nghệ dinh dưỡng hiện đại cùng các hoạt động giáo dục thể chất chiều sâu.

Ông Hồ Xuân Năng và hệ thống giáo dục Phenikaa

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group). Hồ Xuân Năng xuất phát là dân kỹ thuật và đi lên từ nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Năng từng có thời gian giảng dạy tại chính ngôi trường mà mình theo học.

co-phieu-dien-bien-tich-cuc-tai-san-cua-chu-tich-ho-xuan-nang-tang-manh-antt-1715829330-1715832691019-17158326916812072778617.jpeg
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A Hồ Xuân Năng.

Do gặp một số khó khăn, năm 1993, ông rời bục giảng và chuyển sang công tác tại Viện Cơ điện nông nghiệp và Chế biến nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi bước chân vào con đường kinh doanh.

Dù vậy, ước mơ làm giáo dục và khoa học dường như chưa bao giờ tắt trong lòng vị doanh nhân này. Năm 2015-2016, ông Năng trở lại thực hiện ước mơ với thương vụ mua lại 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây. Cuối năm 2017, sau khi Phenikaa Group giành được quyền kiểm soát, ngôi trường này được đổi tên thành Trường Đại học Phenikaa, mở ra nhiều khoa đào tạo mới.

Với sự dẫn dắt của ông Hồ Xuân Năng, xuất thân là một nhà khoa học, Đại học Phenikaa - ngôi trường vận hành theo hướng dạy nghề - đã được định hướng lại, phát triển với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 4/2022, sau khi Đại học Phenikaa phát triển ổn định, Tập đoàn Phenikaa của ông Hồ Xuân Năng chính thức giới thiệu Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những doanh nhân Việt chọn giáo dục là sứ mệnh, đặt giá trị trên lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO