Công nghệ

Phát triển công nghiệp công nghệ số góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam

Thu Hằng 01/12/2024 10:17

Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

Công nghiệp công nghệ số là ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số có giá trị gia tăng cao, có tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Theo báo cáo của tổ chức The Global Market Model (phát hành ngày 11/5/2023), công nghiệp công nghệ số toàn cầu năm 2022 có giá trị thị trường khoảng 7.989,7 tỷ USD, trong đó phân khúc lớn nhất của thị trường là dịch vụ công nghệ thông tin chiếm 40,5%. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến (CAGR) trong giai đoạn 2022–2032 là 8,4%.

chuyen-doi-so_5c5af.jpg
Công nghiệp công nghệ số sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nhân loại.

Tại Việt Nam, công nghiệp công nghệ số năm 2022 được xem là điểm sáng của nền kinh tế với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với 2021, số lượng doanh nghiệp hơn 70.000 và xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD (theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Diễn đàn Make in Vietnam 2022).

Hiện có khoảng 70.800 doanh nghiệp công nghệ số, tập trung vào các lĩnh vực như vi mạch bán dẫn, IoT, và AI. Chính phủ cũng thúc đẩy chiến lược "Make in Vietnam," phát triển các sản phẩm và thiết bị 5G nội địa, cùng các dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, và Bà Rịa - Vũng Tàu để thu hút đầu tư công nghệ cao​

Tuy đạt những kết quả tích cực nêu trên, nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 8 sáng 30/11, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số cũng như thúc đẩy phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng này của nước ta.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in Việt Nam.” Điều này không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ khâu đóng gói, kiểm thử đến thiết kế, chế tạo chíp bán dẫn.

202411301041459615-z6083217620673-6cf32ea88ad3fc39839bbe498172b15220241130140159.jpg
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới.

Vì thế, bên cạnh các chính sách ưu đãi, cần xác định rõ ràng đối tượng áp dụng. Đặc biệt, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số, cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi như nghiên cứu triển khai, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

“Nếu Quốc hội thông qua Luật này trong kỳ họp tới, thì Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp công nghệ số góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO